Slide 1

Băn khoăn chuyện thực thi

Thứ bảy, 08/10/2016 - 10:08 AM

Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp sửa đổi đã bắt đầu có hiệu lực từ tuần này. Tuy nhiên, đến thời điểm này, cộng đồng doanh nghiệp vẫn rất băn khoăn về việc thực thi luật, từ nội dung của các văn bản hướng dẫn luật đến năng lực thực thi của cơ quan hành pháp.

Chưa kỳ vọng môi trường kinh doanh thay đổi

Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước, nhìn nhận Luật Doanh nghiệp 2014 (sửa đổi) thể hiện rõ nhất tính cởi mở của luật pháp để bắt kịp hội nhập.

Tuy nhiên, luật là vậy nhưng việc thi hành còn phải chờ vì cho đến giờ này vẫn chưa có bất cứ nghị định hay hướng dẫn nào trong khi lẽ ra những hướng dẫn này phải có trước khi luật được chính thức áp dụng để doanh nghiệp được thực hiện ngay. Một ví dụ dễ thấy là ngay trong mùa họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm nay, doanh nghiệp cần phải trình cổ đông về việc thay đổi điều lệ công ty cho phù hợp với luật mới. Tuy nhiên, hầu hết doanh nghiệp vẫn chưa làm vì đang chờ các bộ, ngành hay Ủy ban Chứng khoán có hướng dẫn rồi mới thay đổi một lần.

Mặt khác, tinh thần mới của Luật Doanh nghiệp vẫn chưa được thể hiện ở các bộ, ngành và cấp thừa hành ở địa phương. Ông Lĩnh cho biết, đơn cử như vừa qua, dù chỉ còn thời gian ngắn nữa là luật này có hiệu lực và cho phép doanh nghiệp không phải đăng ký ngành nghề kinh doanh nhưng khi Thuận Phước muốn mở thêm một ngành nuôi tôm mới ở một tỉnh thì địa phương vẫn yêu cầu phải tổ chức họp đại hội đồng cổ đông để bổ sung ngành nghề mới thì mới cấp phép hoạt động.

Theo ông Lĩnh, tỉnh nọ làm không sai nhưng điều đó cũng cho thấy những quan điểm đổi mới vẫn chưa được cụ thể hóa ở những người thực thi luật tại các tỉnh thành. “Xu hướng phổ biến là luật thay đổi, họ phải thực hiện nhưng làm theo cách chạy theo sau quy định và chạy một cách chậm chạp”, ông Lĩnh nhận xét.

Ông Võ Quang Huệ, Tổng giám đốc Công ty Bosch Việt Nam, chia sẻ: có rất nhiều câu hỏi đang được doanh nghiệp, nhà đầu tư đặt ra ở thời điểm hai luật mới này được thực thi. Đó là nhân sự của các cơ quan nhà nước đã được chuẩn bị như thế nào, liệu trình độ của đội ngũ trực tiếp làm việc với doanh nghiệp và nhà đầu tư có được nâng lên để đáp ứng việc cải tổ, đổi mới theo luật? Họ có thay đổi tư duy theo tinh thần của luật?

“Theo tôi, thử thách lớn nhất hiện nay là liệu guồng máy quản lý chung có thay đổi kịp theo tinh thần của luật. Bởi vì đã từng có một số trường hợp cũng cùng một vấn đề hoặc quy định nhưng cách hành xử của cơ quan quản lý ở các địa phương hoàn toàn khác nhau”, ông Huệ băn khoăn.
Đồng quan điểm, luật sư Phan Việt Dũng (Công ty Luat PVD), cho rằng trình độ của cán bộ địa phương sẽ tiếp tục là một rào cản với các nhà đầu tư kể cả khi có luật mới. Bởi lẽ, các văn bản luật không được hiểu và áp dụng một cách thống nhất trên cả nước. Vấn đề thẩm quyền của cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là một ví dụ.

Theo quy định của Luật Đầu tư mới, doanh nghiệp có dự án đầu tư được thực hiện trên nhiều địa bàn (tỉnh/thành phố) khác nhau sẽ đăng ký dự án tại địa phương nơi đăng ký kinh doanh và có thể lập thêm địa điểm kinh doanh tại (các) địa phương còn lại. Tuy nhiên, trong khi TPHCM áp dụng như luật quy định thì ở nhiều tỉnh khác lại đòi hỏi doanh nghiệp chia dự án thành nhiều dự án nhỏ để đăng ký.

Bên cạnh đó, theo ông Dũng, việc thực thi hai luật mới còn là câu chuyện đồng bộ giữa các luật. Chẳng hạn, với thủ tục giải thể doanh nghiệp, khâu thủ tục thuế sẽ vẫn giữ chân doanh nghiệp nếu Luật Quản lý thuế không được điều chỉnh tương ứng với Luật Doanh nghiệp sửa đổi. Ông Dũng cho rằng, thủ tục quyết toán thuế trong Luật Quản lý thuế không rõ ràng, nhất là về thời hạn xử lý. Trong rất nhiều trường hợp thủ tục kiểm tra quyết toán thuế kéo dài vì đủ mọi lý do. Như vậy, thời hạn 180 ngày mà Luật Doanh nghiệp đưa ra làm tổng thời gian giải quyết hồ sơ giải thể khó lòng thực hiện được.

Ông Nguyễn Thái Linh, Tổng giám đốc Công ty Giấy vi tính Liên Sơn, lại có mối lo khác, đó là tình trạng các thông tư, nghị định hướng dẫn luật không bám sát tinh thần của luật, thậm chí sai luật sẽ tiếp tục diễn ra như lâu nay. Trong khi đó, các cơ quan hành pháp như hải quan, thuế... thì chỉ dựa theo thông tư, ít khi xem luật.

Thêm vào đó, mỗi ngành nghề lại còn bị chi phối bởi nhiều luật chuyên ngành khác và các luật này thường không đồng nhất, nếu không muốn nói là mâu thuẫn. Đó là chưa nói, các bộ ngành còn ban hành thêm nhiều văn bản, thông báo... Ông Linh bày tỏ: “Tôi không kỳ vọng môi trường kinh doanh sau 1-7 sẽ có những thay đổi đột biến. Cái gì cũng phải từ từ”.

Doanh nghiệp sẽ làm gì?

Theo ông Lĩnh, việc “trên mở, dưới thắt” đã diễn ra thường xuyên nhiều năm nay ở nhiều cơ quan nhà nước cấp bộ, ngành, tỉnh thành và khó lòng chấm dứt dù có Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư mới. “Quyền lực tạo nên quyền lợi thì làm sao họ sớm bỏ? Tôi tiên đoán rằng những cái gì của Luật mới yêu cầu thì phải có một thời gian chuyển động. Và doanh nghiệp phải chờ thôi”, ông Lĩnh nói.

Cũng theo ông Lĩnh, nếu cơ quan nhà nước làm sai, doanh nghiệp có quyền khiếu nại, tố cáo thậm chí khởi kiện. Tuy nhiên, đây lại là câu chuyện không đơn giản bởi thói quen, tâm lý của doanh nghiệp cũng như vai trò, chức năng của tòa hành chính chưa thuận lợi cho việc đó.

Nói về quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện của doanh nghiệp khi bị cơ quan nhà nước ban hành các văn bản quy phạm trái thẩm quyền, gây thiệt hại (quy định tại Luật Đầu tư), ông Đinh Công Khương, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Thép Khương Mai, nhìn nhận: doanh nghiệp sử dụng các công cụ như thế nào còn tùy trường hợp cụ thể. Nếu là những chuyện nho nhỏ, doanh nghiệp sẽ chấp nhận, cho qua nhưng nếu là chuyện lớn, gây thiệt hại về kinh tế thì có thể sẽ khởi kiện, đòi bồi thường. Tuy nhiên, quan trọng hơn chuyện to hay nhỏ là doanh nghiệp phải cân nhắc đến yếu tố thời điểm và hiệu quả kinh doanh. Nghĩa là, nếu khởi kiện nhưng “được vạ thì má đã sưng”, phải chờ đợi quá lâu trong khi hàng hóa xuống giá thì phải xem xét, cân nhắc.

Ông Khương dẫn chứng bằng câu chuyện mà doanh nghiệp vừa trải qua. Đó là Thép Khương Mai tắc hàng ở khâu hải quan gần năm tháng khi cơ quan này chậm trễ trong việc kiểm tra và cho kết luận cuối cùng về chất lượng sản phẩm thép nhập khẩu (thực hiện theo Thông tư 44 của Bộ Công Thương - Bộ Khoa học Công nghệ). Sai sót này, theo ông Khương, đã được ngành hải quan TPHCM thừa nhận và giải quyết nhưng thiệt hại của doanh nghiệp thì rất lớn, không chỉ là lưu kho lưu bãi, tiền lãi ngân hàng từ tháng 12-2014 đến cuối tháng 5 vừa rồi mà nặng nề hơn vì số lỗ hàng tỉ đồng do hàng liên tục xuống giá. Doanh nghiệp đã tham khảo ý kiến luật sư nhưng vẫn chưa có quyết định cuối cùng.

Để hạn chế những rủi ro, thiệt hại vì các điều kiện kinh doanh bất hợp lý, ông Khương cho rằng, doanh nghiệp cần có tiếng nói chung là hiệp hội ngành nghề để bảo vệ quyền lợi của mình. Điều đó đồng nghĩa với việc các hiệp hội cần phát huy vai trò tốt hơn từ việc tập hợp doanh nghiệp, tuyên truyền phổ biến chính sách, bảo vệ quyền lợi hợp pháp khi “có chuyện”. Tất nhiên là các doanh nghiệp cũng cần chủ động tham gia và sử dụng kênh công cụ này.

Quan trọng không kém, bản thân các doanh nghiệp, nhất là người chủ cần phải liên tục cập nhật luật và các văn bản dưới luật để hiểu và phản biện khi cần thiết. “Nếu không nắm luật thì cứ mãi mãi bị chèn ép và hạch sách”, ông Khương nhận xét.

Ông Nguyễn Thái Linh thì nhìn nhận, chuyện doanh nghiệp theo đuổi các biện pháp pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình phụ thuộc rất nhiều vào chuyện ai là người chịu trách nhiệm. Bởi lẽ, điều doanh nghiệp muốn là người ra quyết định, ban hành điều kiện kinh doanh trái thẩm quyền phải bồi thường và quy định thay đổi chứ không phải là ai thắng - ai thua trong phiên tòa đó.

Và để có sự thay đổi thực sự về môi trường kinh doanh, ông Linh kiến nghị Chính phủ cần có biện pháp quyết liệt với các bộ, ngành (như xử lý, quy trách nhiệm với người trực tiếp ban hành văn bản trái quy định), đồng thời kịp thời xử lý, sửa đổi chính sách khi doanh nghiệp phản ánh. Không chỉ vậy, các doanh nghiệp cũng cần phải thay đổi tư duy, thay đổi nhận thức và hành động trong việc tuân thủ pháp luật để hướng đến mục tiêu lớn hơn là sức mạnh của cả nền kinh tế, thể diện quốc gia... bên cạnh câu chuyện doanh thu, lợi nhuận của bản thân mình. “Nhất là trong bối cảnh hội nhập, đã tham gia cuộc chơi thì phải tuân thủ cuộc chơi”, ông Linh nói thêm.

Mới chỉ bỏ được một nửa các điều kiện kinh doanh

Tại cuộc họp trực tuyến của Chính phủ với các địa phương ngày 29-6, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết bộ đã có báo cáo kiến nghị với Thủ tướng bãi bỏ tất cả các điều kiện kinh doanh tại các thông tư, quyết định của các bộ, ngành, địa phương.

Về việc rà soát, phân loại các điều kiện kinh doanh, kết quả rà soát cho thấy tương ứng với 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện là 6.475 điều kiện kinh doanh thuộc các cấp độ khác nhau, trong đó có 3.299 điều kiện kinh doanh được quy định tại 170 thông tư, quyết định. Theo Luật Đầu tư năm 2014, thì đương nhiên các điều kiện kinh doanh này (3.299) bị hủy bỏ, hết hiệu lực kể từ ngày 1-7-2016, vì luật quy định chỉ có nghị định chính phủ mới có quyền quy định về ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Trước thực tế này, bộ cũng đã báo cáo Quốc hội, Chính phủ cho phép trong vòng một năm từ 1-7-2015 đến 1-7-2016 là thời gian chuyển đổi, vì trong số các quyết định không hợp lệ này có nhiều điều kiện vẫn cần thiết cho cuộc sống, nên phải chuyển từ quyết định thành nghị định của Chính phủ.

Trong thời gian này, các bộ trưởng, chủ tịch tỉnh phải tích cực làm ngay, cái nào cần bỏ thì bỏ, cái nào cần thì báo cáo Chính phủ cho chuyển lên thành nghị định. Trong lúc chờ đợi, nhiều thủ tục, như thủ tục cho nhà đầu tư nước ngoài xuất nhập cảnh, thực hiện theo quyết định mới từ sau 1-7.

Yêu cầu các bộ, ngành, UBND tỉnh phải nghiên cứu, tìm hiểu rõ những đổi mới cơ bản của Luật Doanh nghiệp sửa đổi, chấm dứt ngay việc soạn thảo và ban hành trái thẩm quyền các quyết định về điều kiện kinh doanh. Chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tập hợp, phân loại tất cả các điều kiện kinh doanh trong các ngành, lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý của mình. Nghiêm túc bãi bỏ các quyết định về điều kiện kinh doanh không còn phù hợp với quy định của pháp luật.

Với Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư 2014, có hiệu lực từ 1-7-2015, sáu nghị định sửa đổi, hướng dẫn đã cơ bản thực hiện xong. Đây là hai luật xương sống của việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, mà không thực hiện được thì đất nước sẽ rất khó khăn. (nguồn: thesaigontimes.vn)

 


Tin cùng chuyên mục

 Kết nối với chúng tôi

 

 

 Đường đến credent

Bản đồ đường đi

 Thống kê truy cập
  • Trực tuyến:
    2
  • Tất cả:
    3010679

 VP1: 60/1 Tôn Thất Tùng, P. Bến Thành, quận 1, TP.HCM  

Điện thoại Hotline: 0943117117 - 0903704871

Email Email: luatsu@tuvanluatvietnam.vn

Email Website: credent.net

 VP2: 11 Đặng Thế Phong, P.Tân Sơn Nhì, Q.Tân Phú, TP.HCM  

Điện thoại Hotline: 0903704871

Email Email: luatsu@tuvanluatvietnam.vn

Email Website: credent.net

 VP3: 217 Phan Bội Châu, phường Lê Hồng Phong, TP.Quãng Ngãi 

Điện thoại Hotline: 0973101101

Email Email: luatsu@tuvanluatvietnam.vn

Email Website: credent.net

 © Copyright 2016 www.credent.net, all rights reserved.

Thiết kế website www.webso.vn
Back to top