Slide 1

Đừng khoan vào sức dân giữa cơn đại dịch

Thứ năm, 03/12/2020 - 11:49 AM

ĐỪNG KHOAN VÀO SỨC DÂN GIỮA CƠN ĐẠI DỊCH

 

Ngày 01/07/2020 luật Quản lý thuế số 39/2019/QH13 chính thức có hiệu lực, đây là đạo luật chính của ngành thuế điều chỉnh toàn diện hoạt động quản lý thuế cũng như tác động đến việc kê khai nộp thuế của người nộp thuế. Mọi sự thay đổi của luật Quản lý thuế cũng ít nhiều tác động đến các sắc thuế khác đó là thuế Giá trị gia tăng (GTGT), thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế Thu nhập các nhân (TNCN),… tương ứng trong từng lĩnh vực thì người nộp thuế đều phải chịu sự tác động này. Trong những ngày qua người dân và doanh nghiệp phản ảnh khá nhiều về các quy định mới này.

 

Một số quy định bất hợp lý

 

Để luật Quản lý thuế được thực thi trên thực tế ngày 19/11/2020 Chính phủ đã ban hành Nghị định 126/2020 hướng dẫn và một số nghị định thi hành luật Quản lý thuế. Ngoài những nội dung mới được cập nhật giúp cho việc kê khai và nộp thuế thuận lợi hơn, đồng thời cơ quan thuế cũng thuận lợi hơn trong việc thu thuế. Việc quản lý thuế tiệm cận với quy trình quản lý thuế của các nước trên thế giới thì một số quy định tại nghị định này gây nhiều hoang mang và lo lắng cho người nộp thuế. Cụ thể về thay đổi cách thức tính thuế thu nhập doanh nghiệp ước tính của 3 quý đầu năm không thấp hơn 75% số thuế TNDN của cả năm là hoàn toàn không hợp lý. Quy định này không theo quy luật kinh doanh của hầu hết các ngành nghề đó là doanh thu của quý 4 thông thường cao hơn, dòng tiền trong quý 4 thông thường “đổ” về doanh nghiệp nhiều hơn các quý trước đó, sức mua trên thị trường của quý 4 tăng mạnh hơn rất nhiều so với các quý còn lại nên doanh nghiệp tận dụng điều này tăng doanh số bán hàng nhằm bù đắp cho những quý mà có sức mua thấp hoặc thị trường bị ảnh hưởng như trong đại dịch Covid 19, nhìn vào báo cáo tài chính từng quý của hầu hết các doanh nghiệp đều phản ảnh điều này. Quy định mới ban hành hết sức “toán học” và rất máy móc, tính theo cách 75% là ¾, tức là 3 quý trên tổng số 4 quý trong năm. Với quy định này sẽ có rất nhiều doanh nghiệp dù tuân thủ đúng luật nhưng vẫn bị phạt do kê khai sai và phạt chậm nộp. Nếu quy định này không được sửa trong thời gian tới sẽ có nhiều doanh nghiệp lách luật bằng cách “điều chỉnh” doanh thu của quý 4 sang doanh thu của quý 1 năm sau hoặc tiêu cực hơn là sẽ làm mọi cách để doanh thu quý 4 “bình bình” như doanh thu các quý trước đó. Rõ ràng với quy định này sẽ làm triệt tiêu động lực phấn đấu của các doanh nghiệp, mà người nộp thuế không tăng doanh thu thì cơ quan thuế cũng khó thu được nhiều thuế, điều này đi ngược hoàn toàn với nguyên tắc cơ bản trong quản lý thuế đó là nuôi dưỡng nguồn thu.

 

Tại điểm đ, khoản 2 điều 7 Nghị định 126 cũng thay đổi cách tính thuế khoán thuế GTGT từ 3% lên thành 10% tính trên doanh thu của từng cuốc xe, do thay đổi quan điểm trước đây không xem xe ôm công nghệ là đơn vị kinh doanh vận tải, và bây giờ xe ôm công nghệ được xem là đơn vị kinh doanh vận tải nên phải kê khai như các đơn vị kinh doanh vận tải khác cho công bằng. Và đại diện Tổng cục thuế cho rằng tài xế xe ôm công nghệ không phải nộp phần thuế tăng thêm này nữa do đã có đơn vị kinh doanh vận tải nộp. Tuy nhiên với quy định này làm cho chi phí mỗi cuốc xe tăng lên và người phải trả phần chi phí tăng này là người sử dụng vì các hãng công nghệ như Grab, Bee, Gojek họ đã tốn một khoản chi phí cố định để vận hành cho hệ thống hoạt động nên họ sẽ không thể lấy nguồn thu khác để bù đắp vào phần thuế tăng lên này, do vậy họ sẽ tăng giá cuốc xe là điều tất yếu. Thuế GTGT về bản chất là thuế gián thu nghĩa là người kê khai nộp và người chịu thuế không phải là một, nên mặc dù là các hãng xe ôm công nghệ kê khai nộp nhưng người sử dụng dịch vụ phải trả tiền thuế. Cuối cùng “trăm dâu đổ đầu tằm” thành ra người dân phải chịu phần thuế tăng lên này.

Xử phạt vi phạm hành chính về thuế: quá mạnh tay

 

Cùng ngày ban hành Nghị định 126, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 125/2020 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong việc kê khai, nộp thuế và hoá đơn. So với Nghị định 129/2013 thì mức phạt theo quy định mới này tăng khủng khiếp từ 2 đến 4 lần so với quy định cũ. Vẫn biết rằng mức phạt tăng sẽ làm cho người nộp thuế ý thức và tuân thủ hơn pháp luật về thuế. Tuy nhiên việc tăng mức phạt trong điều kiện kinh tế xã hội như hiện nay là điều làm cho người nộp thuế hết sức lo lắng, doanh nghiệp đang phải gồng mình chống chọi với ảnh hưởng của đại dịch Covid lại phải đối diện với những quy định, chế tài khắt khe hơn tới mức quá sức chịu đựng của các doanh nghiệp nên đôi khi quy định này không phát huy tác dụng mà có thể gây ra tác dụng ngược.

 

Giao dịch liên kết: thà bắn lầm hơn bỏ sót

 

Bên cạnh đó, Nghị định 132 ban hành ngày 05/11/2020 sửa đổi Nghị định 20/2017 về giao dịch liên kết, theo đó “Giao dịch liên kết” là giao dịch phát sinh giữa các bên có quan hệ liên kết trong quá trình sản xuất, kinh doanh, bao gồm: Mua, bán, trao đổi, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn, chuyển giao, chuyển nhượng máy móc, thiết bị, hàng hóa, cung cấp dịch vụ; vay, cho vay, dịch vụ tài chính, đảm bảo tài chính và các công cụ tài chính khác; mua, bán, trao đổi, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn, chuyển giao, chuyển nhượng tài sản hữu hình, tài sản vô hình và thỏa thuận sử dụng chung nguồn lực như hợp lực, hợp tác khai thác sử dụng nhân lực; chia sẻ chi phí giữa các bên liên kết. Nghị định này cũng gây ra rất nhiều bất cập cho doanh nghiệp mà một trong số đó là chi phí lãi vay trong giao dịch liên kết mà trước đây theo Nghị định 127 bị khống chế 25% và doanh nghiệp kêu ca rất nhiều, nay theo Nghị định 132 đã nâng mức khống chế không quá 30% tổng lợi nhuận thuần và quy định không rõ ràng về một số trường hợp mà cơ quan thuế xem đó là có tham gia giao dịch liên kết còn doanh nghiệp thì hiểu theo cách ngược lại. Với quy định này thì trong thời gian tới một số doanh nghiệp sẽ bị loại oan phần chi phí lãi vay và hậu quả là doanh nghiệp sẽ từ lỗ thành có lãi hoặc từ lãi ít thành lãi nhiều và sẽ bị xử phạt do kê khai sai, phạt chậm nộp thuế TNDN. Quá trình thực thi chính sách pháp luật về thuế của các cơ quan thuế là “thà bắn lầm còn hơn bỏ sót” để tận dụng tối đa nhằm tăng nguồn thu cho ngân sách giữa lúc tình hình thu chi ngân sách khá “căng thẳng” nhất là vào những tháng của cuối năm tài chính.

 

Chính sách thuế: phải nuôi dưỡng nguồn thu

 

Chính sách thuế không chỉ là bảo đảm nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, mà cần được hiểu theo nghĩa rộng là nuôi dưỡng nguồn thu, tạo động lực thúc đẩy doanh nghiệp phục hồi phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn như hiện nay. Vậy nên chính sách thuế được ban hành cần phải đảm bảo theo nguyên tắc này. Từ đầu năm 2020 đến nay cùng với thế giới Việt Nam chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của đại dịch Covid 2019, các doanh nghiệp vẫn còn bàng hoàng bởi đại dịch chưa kịp đứng dậy nên rất cần các chính sách của nhà nước để hỗ trợ họ vượt qua khó khăn. Vì doanh nghiệp phát triển thì sẽ thúc đẩy xã hội phát triển, “nước nổi lo chi bèo chẳng nổi” và khi ấy “dân giàu nước mạnh” rồi, hãy tính tới chuyện khoan vào sức dân.

Việc ban hành các chính sách cần có sự nghiên cứu các điều kiện áp dụng, bối cảnh xã hội và cần phải lắng nghe ý kiến của các nhóm đối tượng bị điều chỉnh để cho chính sách dù mới hay chỉ là sửa đổi bổ sung cũng đi vào cuộc sống một cách hiệu quả nhất. Ngoài việc giúp cho quản lý Nhà nước trong lĩnh vực thuế hiệu quả hơn, còn giúp cho đối tượng áp dụng tuân thủ chứ không phải là đối phó và đó mới là một chính sách được lòng dân. Trong vài ngày tới các quy định này sẽ có hiệu lực nên hy vọng những chính sách bất hợp lý này sẽ sớm được sửa đổi bởi như vậy mới thật sự là lắng nghe ý kiến người nộp thuế của ngành thuế. Giữa cơn đại dịch xin đừng khoan vào sức dân.

 

Đã không lùi thời hạn có hiệu lực mà cầm đèn chạy trước ô tô

 

Cục thuế Hà Đông (Hà Nội) ra văn bản yêu cầu doanh nghiệp nộp thuế theo nghị định chưa có hiệu lực (https://tuoitre.vn/buoc-doanh-nghiep-nop-thue-sai-20201201230728703.htm), có thể lạ với nhiều người, nhưng với không ít doanh nghiệp thì không quá bất ngờ. Vì họ bị bất ngờ với ngành thuế nhiều rồi. Cùng quy định nhưng cách hiểu khác nhau, từng được kêu trên đủ các diễn đàn, nên việc nghị định chưa có hiệu lực đã bắt doanh nghiệp phải thực hiện cũng chưa phải quá mức. Cái cần nhìn ra để tránh là những căn cứ, quy định pháp luật để người ta có thể hiểu sai, làm sai theo nhiều cách, mà người thiệt cuối cùng là doanh nghiệp và người dân. Không phải ai cũng kêu được, cũng như không phải cái gì cũng sai rành rành, nên doanh nghiệp cứ phải bấm bụng chịu. Rõ ràng một số cơ quan thuế đang cầm đèn chạy trước ô tô.

(Luật sư Nguyễn Hoàng Hải)

https://tuoitre.vn/dung-khoan-vao-suc-dan-giua-dai-dich-20201203084902753.htm


Tin cùng chuyên mục

 Kết nối với chúng tôi

 

 

 Đường đến credent

Bản đồ đường đi

 Thống kê truy cập
  • Trực tuyến:
    2
  • Tất cả:
    3010400

 VP1: 60/1 Tôn Thất Tùng, P. Bến Thành, quận 1, TP.HCM  

Điện thoại Hotline: 0943117117 - 0903704871

Email Email: luatsu@tuvanluatvietnam.vn

Email Website: credent.net

 VP2: 11 Đặng Thế Phong, P.Tân Sơn Nhì, Q.Tân Phú, TP.HCM  

Điện thoại Hotline: 0903704871

Email Email: luatsu@tuvanluatvietnam.vn

Email Website: credent.net

 VP3: 217 Phan Bội Châu, phường Lê Hồng Phong, TP.Quãng Ngãi 

Điện thoại Hotline: 0973101101

Email Email: luatsu@tuvanluatvietnam.vn

Email Website: credent.net

 © Copyright 2016 www.credent.net, all rights reserved.

Thiết kế website www.webso.vn
Back to top