Slide 1

Hướng dẫn áp dụng Điều 65 của Bộ luật Hình sự về án treo

Thứ hai, 04/06/2018 - 10:31 AM

Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về “Hướng dẫn áp dụng Điều 65 của Bộ luật Hình sự về án treo”

Trong các ngày từ ngày 08/5/2018 đến ngày 18/5/2018, Hội đồng Thẩm phán TANDTC xét xử giám đốc thẩm một số bản án có kháng nghị và thông qua Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP “Hướng dẫn áp dụng Điều 65 của Bộ luật Hình sự về án treo”.

Nghị quyết này bảo đảm việc áp dụng án treo được thực hiện đúng và thống nhất, thể hiện được chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước; đồng thời ngăn ngừa những tiêu cực có thể phát sinh trong quá trình áp dụng áo treo làm ảnh hưởng đến những giá trị tích cực, tiến bộ và nhân văn của án treo. Bên cạnh đó, việc ban hành Nghị quyết mới cũng khắc phục một số vướng mắc, bất cập qua thực tiễn thi hành Nghị quyết số 01/2013/NQ-HĐTP ngày 06/11/2013 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC “Hướng dẫn áp dụng Điều 60 của Bộ luật Hình sự năm 1999 về án treo”, đặc biệt là các hướng dẫn về điều kiện cho hưởng án treo, về những trường hợp cho hưởng và không cho hưởng án treo không còn phù hợp với quy định mới của BLHS năm 2015.

Chế định án treo đã được bổ sung nhiều nội dung mới trong BLHS năm 2015, nên Nghị quyết này khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn thi hành án treo, nâng cao hiệu quả của việc áp dụng chế định này, hướng tới mục tiêu chung của BLHS đó là “đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội”; bảo đảm xử lý nghiêm minh mọi hành vi phạm tội, nhưng cũng có những chế định để tạo điều kiện cho người phạm tội tự cải tạo, sửa chữ lỗi lầm, trở thành công dân có ích cho xã hội.

Án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện, được Tòa án áp dụng đối với người phạm tội bị phạt tù không quá 3 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, xét thấy không cần buộc họ phải chấp hành hình phạt tù.

Những trường hợp không cho hưởng án treo

Đó là những người phạm tội thuộc đối tượng cần phải nghiêm trị quy định tại điểm c và điểm d khoản 1 Điều 3 của BLHS như: người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố chống đối, côn đồ, tái phạm nguy hiểm, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội; người phạm tội dùng thủ đoạn xảo quyệt, có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, cố ý gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Đối với người phạm tội tuy thuộc trường hợp nêu trên nhưng tự thú, đầu thú, thành khẩn khai báo, tố giác đồng phạm, lập công chuộc tội, tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án, ăn năn hối cải, tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại gây ra; người phạm tội là đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án hoặc người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội nhưng lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng thì Tòa án vẫn có thể xem xét cho hưởng án treo nếu đủ các điều kiện hướng dẫn tại Điều 3 của Nghị quyết này; khi quyết định cho hưởng án treo đối với những trường hợp này, Tòa án phải nhận định cụ thể trong bản án về lý do cho hưởng án treo.

Bị cáo tại ngoại bỏ trốn trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, Tòa án đã đề nghị cơ quan điều tra truy nã, cũng không được áp dụng án treo.

Điều kiện cho người bị kết án phạt tù được hưởng án treo

Nghị quyết chỉ xem xét cho người bị xử phạt tù được hưởng án treo khi có đủ các điều kiện sau đây:

Về mức hình phạt: Người bị xử phạt tù không quá 3 năm về một tội; Đối với người bị xét xử trong cùng một lần về nhiều tội hoặc có nhiều bản án, khi tổng hợp hình phạt của nhiều tội hoặc nhiều bản án mà hình phạt chung không quá 3 năm tù, thì cũng có thể cho hưởng án treo, nhưng phải xem xét thật chặt chẽ, khách quan và công bằng.

Về nhân thân của người phạm tội: Người bị xử phạt tù không quá 3 năm có thể được xem xét cho hưởng án treo nếu ngoài lần phạm tội này họ luôn chấp hành đúng chính sách, pháp luật; thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của công dân; có nơi cư trú ổn định, rõ ràng theo quy định của Luật Cư trú; không có tiền án, tiền sự.

Trường hợp người có tiền án, tiền sự, nếu xét tính chất của tiền án, tiền sự đó, tính chất của tội phạm mới được thực hiện và các căn cứ khác thấy không nhất thiết phải bắt họ chấp hành hình phạt tù thì cũng có thể cho hưởng án treo, nhưng cần hạn chế và phải xem xét thật chặt chẽ, khách quan và công bằng.

Khi xem xét về nhân thân của người phạm tội cần xem xét toàn diện tất cả các yếu tố như trình độ học vấn, hoàn cảnh gia đình, quá trình học tập, công tác, lao động, đồng thời kết hợp với thái độ của họ sau khi phạm tội và yêu cầu phòng, chống tội phạm để đánh giá họ có nhiều khả năng tự cải tạo hay không, trên cơ sở đó mới quyết định bắt họ phải chấp hành hình phạt tù hay cho hưởng án treo; trường hợp cho họ hưởng án treo phải bảo đảm không gây ảnh hưởng xấu đến cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Người có thành tích xuất sắc trong lao động, chiến đấu, học tập hoặc công tác được tặng thưởng huân chương, huy chương, bằng khen, bằng lao động sáng tạo hoặc có sáng chế, phát minh có giá trị lớn hoặc nhiều năm được công nhận là chiến sỹ thi đua…; người lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng; phạm tội do lỗi vô ý; sau khi phạm tội đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải thì được coi là có nhiều khả năng tự cải tạo.

Về tình tiết giảm nhẹ: Có từ 2 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trở lên, trong đó có ít nhất 1 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 51 của BLHS và không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 52 của BLHS.

Trường hợp vừa có tình tiết giảm nhẹ vừa có tình tiết tăng nặng, thì số tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 51 của BLHS phải nhiều hơn số tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 52 của BLHS từ 2 tình tiết trở lên.

Ấn định thời gian thử thách

Khi cho người phạm tội hưởng án treo, Tòa án phải ấn định thời gian thử thách bằng hai lần mức hình phạt tù, nhưng không được dưới 1 năm và không được quá 5 năm. Cách tính thời gian thử thách như sau:

- Trường hợp người bị xử phạt tù không bị tạm giữ, tạm giam thì thời gian thử thách bằng hai lần mức hình phạt tù, nhưng không được dưới 1 năm và không được quá 5 năm.

- Trường hợp người bị xử phạt tù đã bị tạm giữ, tạm giam thì lấy mức hình phạt tù trừ đi thời gian đã bị tạm giữ, tạm giam để xác định mức hình phạt tù còn lại phải chấp hành. Thời gian thử thách trong trường hợp này bằng hai lần mức hình phạt tù còn lại phải chấp hành, nhưng không được dưới 01 năm và không được quá 5 năm.

Ví dụ: Toà án xử phạt Trương Văn A 3 năm tù cho hưởng án treo. Do A đã bị tạm giam 01 năm, như vậy mức hình phạt tù còn lại A phải chấp hành là 2 năm (3 năm – 1 năm = 2 năm). Tòa án ấn định thời gian thử thách đối với Trương Văn A là 4 năm (2 năm x 2 = 4 năm).

Thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách là ngày tuyên án đầu tiên cho hưởng án treo hoặc ngày quyết định giám đốc thẩm có hiệu lực; cụ thể như sau:

- Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm cho hưởng án treo, bản án không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm thì thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách là ngày tuyên án sơ thẩm.

- Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm cho hưởng án treo, Tòa án cấp phúc thẩm cũng cho hưởng án treo thì thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách là ngày tuyên án sơ thẩm.

- Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm không cho hưởng án treo, Tòa án cấp phúc thẩm cho hưởng án treo thì thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách là ngày tuyên án phúc thẩm.

- Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm cho hưởng án treo, Tòa án cấp phúc thẩm không cho hưởng án treo, nhưng Tòa án cấp giám đốc thẩm hủy bản án phúc thẩm để xét xử phúc thẩm lại và Tòa án cấp phúc thẩm cho hưởng án treo thì thời gian thử thách tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.

- Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm cho hưởng án treo, nhưng bản án sơ thẩm, bản án phúc thẩm bị hủy để điều tra hoặc xét xử lại và sau đó xét xử sơ thẩm lại, xét xử phúc thẩm lại, Tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm vẫn cho hưởng án treo thì thời gian thử thách tính từ ngày tuyên án sơ thẩm hoặc tuyên án phúc thẩm lần sau theo hướng dẫn tại các khoản 1, 2, 3 và 4 của Điều này.

- Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm không cho hưởng án treo, bản án không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, nhưng Tòa án cấp giám đốc thẩm sửa bản án sơ thẩm cho hưởng án treo thì thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách tính từ ngày quyết định giám đốc thẩm có hiệu lực.

- Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm không cho hưởng án treo, nhưng Tòa án cấp giám giám đốc thẩm sửa bản án phúc thẩm cho hưởng án treo thì thời gian thử thách tính từ ngày quyết định giám đốc thẩm có hiệu lực.

- Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm cho hưởng án treo, Tòa án cấp phúc thẩm không cho hưởng án treo, nhưng Tòa án cấp giám đốc thẩm hủy bản án phúc phẩm, giữ nguyên bản án sơ thẩm hoặc Tòa án cấp giám đốc thẩm sửa bản án phúc thẩm cho hưởng án treo, thì thời gian thử thách tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.

- Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm cho hưởng án treo hoặc không cho hưởng án treo, Tòa án cấp phúc thẩm cho hưởng án treo, nhưng bản án sơ thẩm, phúc thẩm bị Hội đồng giám đốc thẩm TANDTC, TAQS TƯ hủy để điều tra hoặc xét xử lại. Sau đó Hội đồng giám đốc thẩm TANDTC hủy Quyết định giám đốc thẩm của TANDCC, TAQS TƯ và giữ nguyên bản án phúc thẩm, thì thời gian thử thách tính từ ngày tuyên án sơ thẩm hoặc phúc thẩm theo hướng dẫn tại khoản 2 và 3 Điều này.

Nội dung của bản án tuyên người bị kết án phạt tù được hưởng án treo

Ngoài những nội theo quy định tại Điều 260 của BLTTHS, Bản án cho người bị kết án phạt tù được hưởng án treo phải có nội dung sau đây:

- Khi cho người phạm tội được hưởng án treo, Tòa án phải ghi rõ trong phần Quyết định của bản án việc giao người được hưởng án treo cho UBND cấp xã nơi người đó cư trú, cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc để giám sát và giáo dục trong thời gian thử thách. Tòa án phải ghi rõ trong phần quyết định của bản án tên UBND cấp xã; tên huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; tên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được giao giám sát, giáo dục người được hưởng án treo, đồng thời ghi rõ trong trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 69 của Luật Thi hành án hình sự.

Khi giao người được hưởng án treo cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc để giám sát và giáo dục trong thời gian thử thách, Tòa án phải ghi rõ trong phần quyết định của bản án tên và địa chỉ đầy đủ của cơ quan, tổ chức được giao giám sát, giáo dục người được hưởng án treo, đồng thời ghi rõ trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi làm việc thì thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 69 của Luật thi hành án hình sự.

- Trong phần quyết định của bản án cho người phạm tội được hưởng án treo, Tòa án phải tuyên rõ hậu quả của việc vi phạm nghĩa vụ trong thời gian thử thách theo quy định tại khoản 5 Điều 65 của BLHS, cụ thể như sau: “Trong thời gian thử thách, nếu người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật Thi hành án hình sự 2 lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo”.

Đây là một trong những quy định mới trong chế định án treo, bảo đảm cho việc áp dụng và thi hành án treo chặt chẽ và nghiêm khắc hơn nhiều so với quy định trước đây.

Điều kiện và mức rút ngắn thời gian thử thách của án treo

Người được hưởng án treo có thể được Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án quân sự khu vực quyết định rút ngắn thời gian thử thách của án treo khi có đủ các điều kiện sau:

- Đã chấp hành được một phần hai thời gian thử thách của án treo; Có nhiều tiến bộ, được thể hiện bằng việc trong thời gian thử thách thực hiện nghiêm chỉnh nghĩa vụ của người được hưởng án treo; chấp hành đúng chính sách, pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy chế nơi làm việc; tích cực lao động, học tập và sửa chữa lỗi lầm; thực hiện đầy đủ các hình phạt bổ sung, nghĩa vụ khác theo quyết định của bản án; Được Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan, tổ chức được giao giám sát giáo dục người được hưởng án treo đề nghị rút ngắn thời gian thử thách bằng văn bản.

- Người được hưởng án treo một năm chỉ được rút ngắn thời gian thử thách một lần từ một tháng đến một năm. Người được hưởng án treo có thể được rút ngắn thời gian thử thách nhiều lần, nhưng phải bảo đảm thực tế chấp hành thời gian thử thách là ba phần tư thời gian thử thách Tòa án đã tuyên.

Trường hợp người được hưởng án treo đã được cơ quan có thẩm quyền lập hồ sơ đề nghị rút ngắn thời gian thử thách của án treo, nhưng không được Tòa án chấp nhận, nếu sau đó có tiến bộ mới thì Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan, tổ chức được giao giám sát giáo dục người được hưởng án treo tiếp tục đề nghị rút ngắn thời gian thử thách cho họ.

Trường hợp người được hưởng án treo lập công hoặc mắc bệnh hiểm nghèo và có đủ các điều kiện được hướng dẫn tại khoản 1 Điều này, thì Tòa án có thể quyết định rút ngắn hết thời gian thử thách còn lại.

Lập công là trường hợp người được hưởng án treo có hành động giúp cơ quan nhà nước có thẩm quyền phát hiện, truy bắt, điều tra tội phạm; cứu được người khác trong tình thế hiểm nghèo hoặc đã cứu được tài sản có giá trị từ 30 triệu đồng trở lên của Nhà nước, tập thể, của công dân trong thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, tai nạn; có những sáng kiến có giá trị được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận hoặc có thành tích xuất sắc trong lao động, học tập, chiến đấu, công tác, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định khen thưởng hoặc xác nhận.

Mắc bệnh hiểm nghèo là trường hợp mà bệnh viện cấp tỉnh, bệnh viện quân đội cấp quân khu trở lên có kết luận là người được hưởng án treo đang bị bệnh nguy hiểm đến tính mạng, khó có phương thức chữa trị, như: Ung thư giai đoạn cuối, xơ gan cổ trướng, lao nặng độ 4 kháng thuốc, bại liệt, suy tim độ 3, suy thận độ 4 trở lên; HIV giai đoạn AIDS đang có các nhiễm trùng cơ hội không có khả năng tự chăm sóc bản thân và có nguy cơ tử vong cao.

Trường hợp người được hưởng án treo bị buộc phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo

Người được hưởng án treo có thể bị TAND cấp huyện nơi người chấp hành án treo cư trú hoặc TAQS khu vực nơi người chấp hành án treo công tác quyết định buộc chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo nếu đang trong thời gian thử thách mà cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định tại Điều 64 của Luật Thi hành án hình sự từ 2 lần trở lên. Thời gian đã chấp hành án treo không được tính vào thời gian chấp hành án phạt tù.

Trình tự, thủ tục, thẩm quyền xét, quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo: Trong thời hạn 3 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị buộc chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo của cơ quan có thẩm quyền, Chánh án TAND cấp huyện nơi người chấp hành án treo cư trú, Chánh án TAQS khu vực nơi người chấp hành án treo công tác phải thành lập Hội đồng xét buộc chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo (sau đây gọi là Hội đồng) và phân công Thẩm phán nghiên cứu hồ sơ đề nghị buộc chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.

Trong thời hạn 5 ngày, kể từ ngày nhận hồ sơ, Thẩm phán được phân công phải ấn định ngày mở phiên họp xét buộc chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo và thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp biết để cử Kiểm sát viên tham dự phiên họp. Thời hạn mở phiên họp không quá 15 ngày, kể từ ngày Tòa án nhận được hồ sơ đề nghị buộc chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo. Trường hợp cần phải bổ sung tài liệu hoặc tài liệu chưa rõ thì Thẩm phán yêu cầu cơ quan đề nghị bổ sung hoặc làm rõ thêm. Trong trường hợp này, thời hạn mở phiên họp được tính từ ngày Tòa án nhận được tài liệu bổ sung hoặc ý kiến bằng văn bản về vấn đề cần làm rõ thêm.

Nghị quyết cũng quy định, đối với các trường hợp cho hưởng án treo trước ngày 01-01-2018 thì không áp dụng quy định tại khoản 5 Điều 65 của BLHS để buộc người được hưởng án treo chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo nếu đang trong thời gian thử thách mà cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định tại Điều 64 của Luật Thi hành án hình sự từ 2 lần trở lên. (theo Tạp chí Tòa án).


Tin cùng chuyên mục

 Kết nối với chúng tôi

 

 

 Đường đến credent

Bản đồ đường đi

 Thống kê truy cập
  • Trực tuyến:
    4
  • Tất cả:
    3010372

 VP1: 60/1 Tôn Thất Tùng, P. Bến Thành, quận 1, TP.HCM  

Điện thoại Hotline: 0943117117 - 0903704871

Email Email: luatsu@tuvanluatvietnam.vn

Email Website: credent.net

 VP2: 11 Đặng Thế Phong, P.Tân Sơn Nhì, Q.Tân Phú, TP.HCM  

Điện thoại Hotline: 0903704871

Email Email: luatsu@tuvanluatvietnam.vn

Email Website: credent.net

 VP3: 217 Phan Bội Châu, phường Lê Hồng Phong, TP.Quãng Ngãi 

Điện thoại Hotline: 0973101101

Email Email: luatsu@tuvanluatvietnam.vn

Email Website: credent.net

 © Copyright 2016 www.credent.net, all rights reserved.

Thiết kế website www.webso.vn
Back to top