Slide 1

Luật đã có hiệu lực từ lâu mà thông tư còn đang dự thảo: rối cho doanh nghiệp lẫn cơ quan thuế

Thứ năm, 08/04/2021 - 06:27 PM

Luật đã có hiệu lực từ lâu

mà thông tư còn đang dự thảo: rối cho doanh nghiệp lẫn cơ quan thuế

 

 

Luật sư Nguyễn Hoàng Hải (*)

Lê Thị Thuỷ (**)

 

Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 (“luật Quản lý thuế”) có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2020, gần 8 tháng sau ngày 25/02/2021 Bộ Tài chính mới có dự thảo thông tư hướng dẫn luật Quản lý thuế để thay thế Thông tư 156/2013/TT-BTC (“Thông tư 156”). Tình trạng nợ đọng văn bản hướng dẫn luật diễn ra ở hầu hết các lĩnh vực nhưng trong lĩnh vực thuế tình trạng thì ngày càng nghiêm trọng hơn làm ảnh hưởng đến người nộp thuế và chính sách thuế của Nhà nước.

Tình trạng nợ đọng văn bản hướng dẫn: Nghiêm trọng!

 

Theo quy định tại Khoản 4 Điều 154 của luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 (“luật BHVBQPPL”) thì “Văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thì văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành văn bản đó cũng đồng thời hết hiệu lực”. Quy định này trở thành một nguyên tắc bắt buộc mà không có ngoại lệ áp dụng cho văn bản hướng dẫn chậm ban hành. Có thể thấy quy định tại khoản 4, Điều 154 luật BHVBQPPL thể hiện sự thống nhất với một số quy định khác về văn bản quy định chi tiết phản ánh chính sách chung “văn bản quy định chi tiết phải được ban hành để có hiệu lực cùng thời điểm với có hiệu lực của văn bản hoặc điều, khoản, điểm được quy định chi tiết”. Điều này có nghĩa là khi Quốc hội xây dựng một dự thảo luật để thay thế đạo luật hiện hành, thì các cơ quan có thẩm quyền cũng phải đồng thời chuẩn bị dự thảo nghị định, thông tư để thay thế cho nghị định, thông tư đang quy định chi tiết cho luật đó. Mục đích của chính sách này là nhằm làm giảm thiểu tình trạng nợ đọng văn bản cũng như nâng cao trách nhiệm của cơ quan có trách nhiệm ban hành văn bản hướng dẫn, hạn chế việc phân công cho nhiều đầu mối cấp dưới ban hành văn bản hướng dẫn tạo nên sự thiếu nhất quán, chồng cheo hoặc chậm ban hành văn bản hướng dẫn tạo ra khoảng trống pháp lý như trường hợp của luật Quản lý thuế nêu trên.

Thông tư 156 đã hết hiệu lực kể từ ngày 01/07/2020 nhưng hiện nay thông tư mới thay thế vẫn còn đang trong dự thảo lấy ý kiến, trước tình trạng này các cơ quan thuế địa phương và doanh nghiệp rất lúng túng, nhất là đối với hồ sơ kê khai thuế và đặc biệt trong giai đoạn quyết toán thuế năm tài chính 2020 đang là những ngày cuối cùng của thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế. Vì chưa có văn bản hướng dẫn nên doanh nghiệp không biết bám vào đâu để làm cho đúng quy định pháp luật, trong khi đó luật Quản lý thuế và Nghị định 126 không thể chi tiết hơn, còn nhiều vấn đề cần phải được hướng dẫn một cách chi tiết ở một văn bản khác đó thông tư thì mới áp dụng trong thực tế được. Đối với lĩnh vực thuế vai trò của thông tư hướng dẫn hết sức quan trọng, vì thông tư thường quy định rất chi tiết hướng dẫn cụ thể những vấn đề, những tình huống, những ví dụ để doanh nghiệp theo đó mà thực hiện cho đúng. Hơn nữa các biểu mẫu báo cáo được ban hành theo thông tư rất nhiều, có liên quan đến sổ sách, phần mềm kế toán và phần mềm quản lý doanh nghiệp nên cần được ban hành kịp thời và giúp doanh nghiệp chuẩn hoá dữ liệu trong hồ sơ kê khai thuế.

 

“Thông tư không phải là văn bản quy phạm pháp luật”: Tổng cục thuế hướng dẫn sai

                                                                                                              

Trước thực trạng nêu trên, để “chữa cháy” ngày 26/02/2021 Tổng cục thuế đã ban hành Công văn số 1938/BTC-TCT (“Công văn 1938”) về việc “Thực hiện Thông tư số 156/2013/TT-BTC và các Thông tư khác” trong đó nội dung công văn cho rằng Thông tư 156 và các thông tư(1) sửa đổi bổ sung Thông tư 156 không phải là văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành luật Quản lý thuế. Vì vậy các thông tư này không thuộc trường hợp được quy định tại khoản 4 Điều 154 luật BHVBQPPL nên vẫn còn hiệu lực. Nghĩa là mặc dù luật Quản lý thuế năm 2006(2) hết hiệu lực nhưng các thông tư hướng dẫn luật này vẫn còn hiệu lực. Nội dung hướng dẫn của Công văn này là hoàn toàn sai vì theo Điều 4 luật BHVBQPPL quy định hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong đó quy định thông tư của Bộ trưởng là văn bản quy phạm pháp luật. Như vậy Thông tư 156 đã hết hiệu lực kể từ ngày 01/7/2020 vậy mà tại mục 2 của Công văn 1938 lại tái khẳng định Thông tư 156 và các thông tư sửa đổi vẫn còn hiệu lực. Dựa vào Công văn 1938 ngày 02/3/2021 Cục thuế Hà nội đã có Công văn số 6374/CTHN-TTHT về việc hướng dẫn chính sách thuế thu nhập cá nhân đối với hoạt động chuyển nhượng chứng khoán tại nước ngoài, tại Công văn này Cục thuế Hà nội cũng khẳng định Thông tư 156 vẫn còn hiệu lực, điều này thật tai hại, sai lầm nối tiếp sai lầm…

Đáng lẽ Tổng cục thuế hướng dẫn doanh nghiệp cũng như các cơ quan thuế địa phương trong thời gian chờ thông tư mới ban hành thì luật Quản lý thuế và Nghị định 126 vẫn tiếp  tục áp dụng theo những quy định tại Thông tư 156 và các thông tư sửa đổi bổ sung thông tư này nếu những quy phạm ấy còn phù hợp hoặc không trái với luật Quản lý thuế năm 2019 thì có lẽ sẽ ổn hơn và dễ dàng được chấp nhận. Đằng này Tổng cục thuế lại hướng dẫn sai để rồi theo đó doanh nghiệp sẽ áp dụng sai, như vậy ai là người sẽ chịu trách nhiệm? Trong khi đó nếu doanh nghiệp làm sai thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với các chế tài rất nặng theo Nghị định 125/2020, so với quy định cũ thì mức phạt theo quy định mới này tăng khủng khiếp từ 2 đến 4 lần. Trong điều kiện kinh tế xã hội như hiện nay, điều này làm cho người nộp thuế hết sức lo lắng, khi mà doanh nghiệp đang phải gồng mình chống chọi với ảnh hưởng của đại dịch Covid lại phải đối diện với những chế tài vi phạm hành chính rất khắt khe của ngành thuế.

Mặc dù đây chỉ là công văn, không phải là văn bản quy phạm pháp luật nhưng trong ngành thuế việc hướng dẫn nghiệp vụ trong ngành của cơ quan thuế cấp trên cho các cơ quan thuế địa phương nên có tính ràng buộc. Riêng với doanh nghiệp Công văn 1938 có tác động nhất định. Vì vậy Tổng cục thuế cần phải rà soát và cho thu hồi ngay Công văn 1938, tránh tình trạng hiểu không đúng và vận dụng sai gây ra nhiều hệ luỵ, tạo tiền lệ không tốt về sau.

Cần có hướng dẫn tạm thời

 

Khi xây dựng thông tư cơ quan chủ quản phải tuân thủ theo trình tự luật BHVBQPPL từ Điều 101 đến Điều 104 luật BHVBQPPL, theo quy định này phải qua các bước: soạn thảo thông tư, thẩm định dự thảo thông tư, dự thảo thông tư trình Bộ trưởng và Bộ trưởng xem xét, ký ban hành thông tư. Với quy trình như thế, nếu thông tư mới được ban hành phải có một khoản thời gian để có hiệu lực pháp luật. Theo quy định tại khoản 1 Điều 151 luật BHVBQPPL thì thời điểm có hiệu lực của toàn bộ hoặc một phần văn bản quy phạm pháp luật được quy định tại văn bản đó nhưng không sớm hơn 45 ngày kể từ ngày thông qua hoặc ký ban hành đối với văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước trung ương. Vậy thì thông tư hướng dẫn luật Quản lý thuế để có hiệu lực thì từ nay đến đó mất ít nhất 3 tháng, tính ra gần 1 năm sau ngày Thông tư 156 hết hiệu lực thông tư thay thế mới được áp dụng. Trong khi đó thực tiễn doanh nghiệp vẫn phải hoạt động và tuân thủ pháp luật thì việc chậm ban hành thông tư mới không những gây khó khăn, thậm chí thiệt hại cho doanh nghiệp và làm lúng túng cơ quan thuế. Vì vậy rất cần có những hướng dẫn tạm thời trong khi chờ thông tư mới ban hành và có hiệu lực, đối với lĩnh vực thuế những hướng dẫn tạm thời sẽ giúp cho doanh nghiệp đỡ hoang mang và có căn cứ pháp lý để bám víu mà không sợ vận dụng không đúng trong thời gian này. Ngoài ra trong giai đoạn “giao thời” cơ quan thuế không nên xử lý những vi phạm mà doanh nghiệp vi phạm do cơ quan thuế chậm ban hành thông tư hướng dẫn.

 

Phải có chế tài mạnh hơn đối với tình trạng nợ đọng văn bản

 

Mặc dù Luật BHVBQPPL đã có quy định rất rõ ràng đó là cơ quan, người có thẩm quyền chậm ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật thì phải chịu trách nhiệm về việc không hoàn thành nhiệm vụ. Tùy theo mức độ mà bị xử lý theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và quy định khác của pháp luật có liên quan trong trường hợp dự thảo văn bản không bảo đảm về chất lượng, chậm tiến độ, không bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật được phân công thực hiện. Tuy nhiên để tránh tình trạng nợ đọng văn bản như trên làm ảnh hưởng hàng triệu doanh nghiệp thì cũng rất cần chế tài mạnh hơn và cụ thể đối với những cơ quan, người đứng đầu có trách nhiệm nhưng chậm xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn. Vì để tình trạng văn bản hướng dẫn luật nợ đọng càng lâu thì khoảng trống pháp lý ngày càng rộng, vì vậy sắp tới nhân sự mới của Chính phủ cần mạnh mẽ, quyết liệt khắc phục dứt điểm tình trạng này thì mới gọi là hoàn thành nhiệm vụ. Khi ấy khoảng trống pháp lý sẽ hẹp hơn và đây là kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp gửi gắm cho Chính phủ mới trong nhiệm kỳ tới.

 

 

(*)   Luật sư điều hành Công ty luật Credent

(**)  Giám đốc Công ty tư vấn và kế toán Đông Dương

 

 

(1) Thông tư 156/2013/TTBTC được sửa đổi, bổ sung bởi: Thông tư số 76/2014/TT-BTC, Thông tư số 77/2014/TT-BTC, Thông tư số 119/2014/TT-BTC, Thông tư số 151/2014/TT-BTC, Thông tư số 26/2015/TT-BTC, Thông tư số 92/2015/TT-BTC , Thông tư số 36/2016/TT-BTC, Thông tư số 95/2016/TT-BTC, Thông tư liên tịch số 12/2016/TTLT-BKHCN-BTC, Thông tư số 130/2016/TT-BTC, Thông tư số 301/2016/TT-BTC, Thông tư số 302/2016/TT-BTC, Thông tư số 06/2017/TT-BTC.

(2) Luật quản lý thuế số 78/2006/QH11 được sửa đổi bổ sung bởi: Luật số 21/2012/QH13, Luật số 71/2014/QH13 và Luật số 106/2016/QH13.


Tin cùng chuyên mục

 Kết nối với chúng tôi

 

 

 Đường đến credent

Bản đồ đường đi

 Thống kê truy cập
  • Trực tuyến:
    4
  • Tất cả:
    3010280

 VP1: 60/1 Tôn Thất Tùng, P. Bến Thành, quận 1, TP.HCM  

Điện thoại Hotline: 0943117117 - 0903704871

Email Email: luatsu@tuvanluatvietnam.vn

Email Website: credent.net

 VP2: 11 Đặng Thế Phong, P.Tân Sơn Nhì, Q.Tân Phú, TP.HCM  

Điện thoại Hotline: 0903704871

Email Email: luatsu@tuvanluatvietnam.vn

Email Website: credent.net

 VP3: 217 Phan Bội Châu, phường Lê Hồng Phong, TP.Quãng Ngãi 

Điện thoại Hotline: 0973101101

Email Email: luatsu@tuvanluatvietnam.vn

Email Website: credent.net

 © Copyright 2016 www.credent.net, all rights reserved.

Thiết kế website www.webso.vn
Back to top