Slide 1

Rượt đuổi làm chết nạn nhân là giết người

Thứ hai, 26/09/2016 - 03:38 PM

TNGT chết khi bị rượt đuổi, người rượt có tội không?

Các cấp tố tụng có quan điểm trái ngược nhau, sơ thẩm bảo giết người, phúc thẩm bảo không phải, Tòa Tối cao thì kháng nghị…

Mới đây, chánh án TAND Tối cao có kháng nghị giám đốc thẩm bản án phúc thẩm của TAND cấp cao tại Đà Nẵng xử vụ TNGT ở Đắk Lắk khiến bị cáo Nguyễn Quý Hợi bị truy tố tội giết người. Vụ án này gây tranh luận pháp lý về tội danh giữa các cấp tố tụng đến mức đối lập nhau.

Sơ thẩm xử giết người

Nguyễn Quý Hợi (huyện Ea H’Leo, Đắk Lắk) không kết hôn nhưng có con chung với con gái của ông Nguyễn Hồng Thanh. Vì vậy giữa Hợi và ông Thanh có xích mích.

Theo hồ sơ, khoảng 16 giờ ngày 22-5-2011, ông Thanh đang chạy xe máy trên đường tại xã Ea Nam (huyện Ea H’Leo, Đắk Lắk) thì gặp Hợi. Do mâu thuẫn từ trước nên ông Thanh chửi Hợi. Bực tức, Hợi lấy một khúc gỗ dài khoảng 80 cm rồi chạy xe máy đuổi theo để đánh ông Thanh.

Hợi chạy xe với vận tốc 80 km/giờ. Ông Thanh phát hiện Hợi đuổi theo phía sau nên hoảng sợ và chạy xe với tốc độ nhanh. Vừa chạy ông Thanh vừa quay đầu lại rồi hô to: “Cứu với, cứu với…”. Đến đoạn đường cong, ông Thanh chạy xe về phía bên trái đường theo hướng đang đi nên đã đâm vào xe máy ngược chiều. Hậu quả ông Thanh tử vong ngay tại chỗ.

Ban đầu Hợi bị CQĐT Công an huyện Ea H’Leo khởi tố về tội gây rối trật tự công cộng. Sau đó vụ án được chuyển lên cơ quan tố tụng cấp tỉnh và Hợi bị khởi tố, truy tố về tội giết người. Tháng 5-2014, TAND tỉnh Đắk Lắk xử sơ thẩm. Tại tòa, Hợi cho rằng ông Thanh chửi bị cáo xong rồi chạy xe máy hướng về nhà ông Thanh. Còn Hợi chạy máy cày đến để ở chỗ vợ đang bán dưa hấu gần đó rồi lấy khúc gỗ đuổi theo ông Thanh để đánh dằn mặt. Do ông Thanh chạy xe lấn sang phần đường bên trái nên mới tông vào xe mô tô chạy ngược chiều.

Bào chữa (chỉ định), luật sư (LS) Phạm Văn Nghị (Đoàn LS tỉnh Đắk Lắk) cho rằng Hợi không phạm tội giết người. Vì mục đích của bị cáo là đuổi theo để hỏi ông Thanh về việc chửi bị cáo rồi mới đánh dằn mặt nhưng bị cáo chưa thực hiện được. Ông Thanh có hô “cứu, cứu”, điều này thể hiện ông đủ tỉnh táo để xử lý tình huống như tấp vào lề đường nhờ người dân trợ giúp. Nhưng ông Thanh không chọn phương án an toàn cho mình mà lại ép xe sang phần đường bên trái nên va chạm với xe ngược chiều. Hậu quả này hoàn toàn không phải do lỗi của bị cáo nên hành vi của bị cáo không đủ yếu tố cấu thành tội giết người. Hơn nữa, bị cáo cũng không có mục đích tước đoạt tính mạng của người bị hại.

Tuy vậy, TAND tỉnh Đắk Lắk vẫn áp dụng điểm n khoản 1 Điều 93 BLHS (phạm tội có tính chất côn đồ) để phạt Hợi 12 năm tù về tội giết người và buộc bồi thường cho gia đình bị hại hơn 100 triệu đồng.

Hợi kháng cáo yêu cầu xem xét lại tội danh. Phía bị hại cũng kháng cáo yêu cầu tăng hình phạt và tăng mức bồi thường.

Phúc thẩm: Không phải tội giết người

Tháng 9-2014, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Đà Nẵng nhận định TAND tỉnh Đắk Lắk xử Hợi tội giết người là không đúng pháp luật. Hợi tuy có dùng mô tô đuổi theo ông Thanh, việc ông Thanh điều khiển xe chạy với tốc độ nhanh, rẽ trái tông vào xe khác tự gây tai nạn dẫn đến tử vong là do lỗi của bị hại. Xét về hành vi, hậu quả và mối quan hệ nhân quả thì thấy Hợi không trực tiếp gây ra cái chết đối với ông Thanh nên không phạm tội giết người như cấp sơ thẩm quy kết. Bị cáo Hợi có thể bị điều tra về một tội phạm khác (nếu có). Từ đó tòa phúc thẩm đã hủy án sơ thẩm, giao hồ sơ cho cấp sơ thẩm điều tra lại.

Sau đó liên ngành Công an - VKSND - TAND tỉnh Đắk Lắk có văn bản kiến nghị TAND Tối cao hủy bản án phúc thẩm để Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Đà Nẵng xét xử lại.

Mới đây nhất, chánh án TAND Tối cao có kháng nghị yêu cầu Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao giám đốc thẩm theo hướng hủy phần trách nhiệm hình sự bản án phúc thẩm để xét xử phúc thẩm lại. Theo quyết định kháng nghị, Tòa Phúc thẩm cho rằng hậu quả ông Thanh chết không có quan hệ nhân quả đối với hành vi của Hợi là không chính xác. Vì trường hợp này tuy Hợi không mong muốn nhưng đã để mặc cho hậu quả xảy ra. Ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra của Hợi thể hiện ở việc Hợi biết hành vi đuổi theo có thể nguy hiểm đến tính mạng của ông Thanh nhưng Hợi vẫn đuổi theo trên đoạn đường dài 800 m cho đến khi ông Thanh xảy ra tai nạn mới dừng lại, quay xe về mà không cứu giúp. Cấp phúc thẩm cho rằng Hợi không trực tiếp gây ra cái chết đối với ông Thanh nên không phạm tội giết người là không chính xác.

Chúng tôi sẽ thông tin tiếp khi vụ án có diễn tiến mới.

LS NGUYỄN VĂN HỒNGKhông có dấu hiệu của tội giết người

Đối với tội giết người thì hành vi của người phạm tội là phải nhằm tước bỏ quyền sống của người khác. Còn ông Thanh và Hợi đã mâu thuẫn từ trước, ông Thanh chửi Hợi rồi đi về, Hợi chạy xe máy cày đi cất sau đó mới dùng xe máy đuổi theo ông Thanh “nhằm đánh dằn mặt”. Quãng đường mà Hợi đuổi theo ông Thanh là khoảng 800 m, sự việc diễn ra trong thời gian ngắn, Hợi vẫn chưa tiếp cận được với ông Thanh thì ông Thanh lấn trái tông vào người đi ngược chiều. Qua đó vẫn chưa có dấu hiệu cụ thể nào cho thấy Hợi muốn tước đoạt mạng sống của ông Thanh. Việc Hợi chạy nhanh lên đến 80 km/giờ chỉ nhằm mục đích “bắt kịp” ông Thanh để đánh (như lời khai của Hợi) nhưng hành vi đánh người vẫn chưa xảy ra vì chưa đuổi kịp.

LS HUỲNH PHƯỚC HIỆP: Có dấu hiệu của tội đe dọa giết người

Hành vi của Hợi có dấu hiệu của tội đe dọa giết người. Ông Thanh có mâu thuẫn với Hợi từ trước nên khi gặp nhau, ông Thanh chửi Hợi và Hợi cầm khúc gỗ dài 80 cm rượt đuổi ông Thanh. Chính những tình tiết này và hành vi của Hợi đủ để chứng minh rằng Hợi đe dọa giết ông Thanh. Ông Thanh có căn cứ để lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện. Bởi theo Điều 103 BLHS thì “Người nào đe dọa giết người, nếu có căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện”. Hành vi đe dọa có thể bằng lời nói cũng có thể là hành động hoặc hành vi khác được thể hiện bằng “việc đe dọa”.

LS NGUYỄN TOÀN THIỆNKhông phạm tội nào cả

Theo tôi, hành vi chạy xe máy cầm cây đuổi theo của Hợi không cấu thành tội phạm vì mục đích mà Hợi hướng tới là để đánh ông Thanh chưa xảy ra. Hợi mới chỉ có hành vi đuổi đánh người khác mà chưa đánh được tức chưa phát sinh hậu quả.

Hậu quả chết người là do lỗi của chính ông Thanh khi ông chạy xe rẽ trái và tự tông vào xe khác gây tai nạn. Nói cách khác, nguyên nhân gián tiếp của tai nạn là do Hợi đuổi nhưng nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cái chết của ông Thanh lại không do hành vi truy đuổi của Hợi gây ra. Ý chí chủ quan của anh Hợi cũng không mong muốn hậu quả chết người xảy ra. Tội gây rối trật tự công cộng thì rõ là không phải, còn tội giết người thì cũng không đúng. Trường hợp này không phạm tội.

Ông PHẠM CÔNG HÙNG: Đừng để cái sai này chồng lên cái sai khác

Theo tôi, hành vi của Hợi không có dấu hiệu của tội phạm nào mà chỉ có thể xem xét xử phạt hành chính về hành vi chạy xe quá tốc độ. Có dấu hiệu nhưng không đủ yếu tố cấu thành tội gây rối trật tự công cộng vì không gây ồn ào, ách tắc giao thông... Cũng không phải tội giết người vì hành vi khách quan như cầm hung khí đánh, chém để thể hiện việc Hợi thực hiện giết người là không có. Về mặt chủ quan, Hợi không có lỗi trong cái chết của ông Thanh.

Nguyên nhân khiến ông Thanh chết là do tai nạn, Hợi không có tác động nào trực tiếp khiến ông Thanh té nên không có quan hệ nhân quả với việc truy đuổi của Hợi… Nói tóm lại, không thể kết Hợi về tội giết người và cũng không thể kết tội khác.

Vì vậy, nếu đã thấy không còn dấu hiệu của tội phạm nào khác thì cơ quan tố tụng nên mạnh dạn đình chỉ điều tra và tuyên bố anh Hợi bị truy tố, xét xử oan.

Tránh tình trạng cố buộc tội cho bằng được sẽ khiến cái sai này chồng lên cái sai khác.

Cả hai không mong hậu quả xảy ra

Hậu quả TNGT xảy ra có một phần lỗi của bị cáo Hợi khi truy đuổi tạo áp lực cho ông Thanh. Nhưng bị hại cũng có lỗi, bởi thay vì tấp vào lề phải hoặc dừng xe để nhận sự trợ giúp của người dân hai bên đường, ông Thanh lại lấn trái nên mới va chạm với người đi ngược chiều. Hậu quả chết người xảy ra là điều cả hai bên đều không mong muốn. LS PHAN NGỌC NHÀNĐoàn LS tỉnh Đắk Lắk

Rượt đuổi làm chết nạn nhân là giết người

Quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao trong vụ án này nên được xem xét coi là án lệ.

Trước hết, cần khẳng định rằng không phải trường hợp nào rượt đuổi dẫn đến cái chết của nạn nhân cũng phạm tội giết người.

Trước đây, vào những năm 80-90 của thế kỷ trước, hành vi rượt đuổi dẫn đến người bị rượt đuổi chết cũng gây ra tranh cãi chứ không phải bây giờ.

Giết người do “không hành động”

Tuy nhiên, lúc đó loại hành vi này không phổ biến như hiện nay như: đuổi bắt người phạm tội, hai toán thanh niên đuổi đánh nhau trên đường làng dẫn đến chết một thanh niên bị rượt đuổi nhảy xuống hồ, do không biết bơi nên bị chết.

Vào thời kỳ đó, nếu không truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người thì cũng chuyển sang tội gây rối trật tự công cộng. Nhưng trong giai đoạn hiện nay, việc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây rối không còn phù hợp nữa, nếu không có dấu hiệu của tội giết người thì phải tuyên bị cáo không phạm tội.

Về lý luận, không nhất thiết người phạm tội phải có hành vi tác động vào thân thể nạn nhân dẫn đến nạn nhân chết thì mới là giết người. Có nhiều trường hợp người phạm tội không có hành vi tác động đến nạn nhân nhưng vẫn có thể xác định hành vi của người phạm tội là hành vi giết người. Lý luận gọi hành vi này là “không hành động”.

Ví dụ: A là bác sĩ bệnh viện, do có thù tức với B nên khi B bị đau ruột thừa, A biết rằng nếu không mổ kịp thời thì B sẽ chết nhưng A vẫn bỏ mặc cho B chết trong khi A có điều kiện cứu B. Đây cũng không phải là trường hợp không cứu giúp người trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, vì A mong muốn cho B chết và không cứu.

Giết người vì dồn vào chỗ chết

Một ví dụ khác: A, B và C đuổi D để đánh nhưng khi đuổi đến giữa cầu thì C chạy vọt lên chặn đầu, D phải chạy quay trở lại thì gặp A và B. Bị đuổi cùng đường, D phải nhảy xuống sông; do không biết bơi nên D bị chết đuối. Trường hợp này nếu A, B và C biết rõ D không biết bơi nhưng vẫn truy sát dồn D phải nhảy xuống sông thì hành vi của A, B và C phải coi là hành vi giết người (dồn người khác vào chỗ chết). Đây là trường hợp phạm tội do cố ý trực tiếp.

Nếu A, B và C không biết D có biết bơi hay không nhưng vẫn dồn D phải nhảy xuống sông thì hành vi của A, B và C cũng là hành vi giết người (lỗi cố ý gián tiếp). Khoa học luật hình sự còn gọi là lỗi cố ý không xác định, tức là người phạm tội chỉ nhận thức được hậu quả chết người có thể xảy ra chứ không chắc chắn nhất định xảy ra. Về lý luận, trường hợp này người phạm tội cũng chỉ thấy trước hậu quả chết người có thể xảy ra tuy không mong muốn nhưng có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.

Nếu A, B và C biết chắc là D biết bơi, khi D nhảy xuống sông, A, B và C còn đứng trên bờ nhìn D chới với và còn nói “Nó giả vờ đấy” rồi bỏ về thì hành vi của A, B và C không phải là hành vi giết người, mà tùy vào điều kiện và khả năng cứu giúp của A, B và C mà truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không cứu giúp người đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng.

Gián tiếp cũng bị tội

Trở lại vụ án báo nêu, mặc dù nguyên nhân trực tiếp gây ra cái chết cho ông Thanh là do tai nạn nhưng vì sao ông Thanh bị tai nạn? Nếu không có hành vi truy đuổi của Hợi thì ông Thanh không thể vừa chạy vừa kêu cứu. Hành vi của Hợi không còn là điều kiện gây ra cái chết cho ông Thanh nữa mà nó đã trở thành nguyên nhân (nguyên nhân gián tiếp) gây ra cái chết cho ông Thanh.

Về lý luận, nguyên nhân trực tiếp và nguyên nhân gián tiếp đều phải chịu trách nhiệm hình sự.

Trong vụ án này, Hợi đã dùng khúc gỗ dài 80 cm rượt đuổi ông Thanh. Không ai dám chắc và cũng không có tình tiết nào xác định nếu đuổi được ông Thanh thì Hợi chỉ để hỏi ông Thanh về việc chửi Hợi rồi mới đánh dằn mặt! Việc Hợi đuổi đánh ông Thanh phải coi là nguyên nhân làm cho ông Thanh bị tai nạn chứ không còn là điều kiện nữa. Vì điều kiện khi có những yếu tố khách quan và chủ quan thì điều kiện sẽ trở thành nguyên nhân gây ra hậu quả.

Được biết trong vụ án nói trên, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã chấp nhận kháng nghị của chánh án, hủy bản án phúc thẩm để xét xử phúc thẩm lại nhằm kết án Hợi về tội giết người. Quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao theo tôi là phù hợp với thực tiễn cuộc sống và nên coi đây là án lệ để áp dụng cho những trường hợp khác tương tự.

Sơ thẩm xử giết người, phúc thẩm hủy án

Theo hồ sơ, Nguyễn Quý Hợi (huyện Ea H’Leo, Đắk Lắk) không kết hôn nhưng có con chung với con gái của ông Nguyễn Hồng Thanh. Vì vậy, giữa Hợi và ông Thanh có xích mích.

Khoảng 16 giờ ngày 22-5-2011, ông Thanh đang chạy xe máy trên đường tại xã Ea Nam thì gặp Hợi. Ông Thanh chửi Hợi. Hợi chạy máy cày đến để ở chỗ vợ đang bán dưa hấu gần đó rồi lấy khúc gỗ dài khoảng 80 cm chạy xe máy đuổi theo ông Thanh để đánh. Hợi chạy xe với vận tốc 80 km/giờ. Ông Thanh phát hiện Hợi đuổi theo phía sau nên hoảng sợ và chạy xe với tốc độ nhanh, vừa chạy vừa hô “Cứu, cứu…”. Đến đoạn đường cong, ông Thanh chạy xe về phía bên trái đường theo hướng đang đi nên đã đâm vào xe máy ngược chiều. Hậu quả ông Thanh tử vong ngay tại chỗ.

Ban đầu, Hợi bị CQĐT Công an huyện Ea H’Leo khởi tố về tội gây rối trật tự công cộng. Sau đó, vụ án được chuyển lên cơ quan tố tụng cấp tỉnh và Hợi bị khởi tố, truy tố về tội giết người. Tháng 5-2014, TAND tỉnh Đắk Lắk xử sơ thẩm, tuyên phạt Hợi 12 năm tù về tội giết người với tình tiết định khung phạm tội có tính chất côn đồ.

Tháng 9-2014, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Đà Nẵng (nay là TAND Cấp cao tại Đà Nẵng) nhận định TAND tỉnh Đắk Lắk xử Hợi tội giết người là không đúng pháp luật. Xét về hành vi, hậu quả và mối quan hệ nhân quả thì thấy Hợi không trực tiếp gây ra cái chết đối với ông Thanh nên không phạm tội giết người mà có thể bị điều tra về một tội khác (nếu có). Từ đó tòa hủy án sơ thẩm, giao hồ sơ cho cấp sơ thẩm điều tra lại.

Bản án phúc thẩm này sau đó bị chánh án TAND Tối cao kháng nghị và Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao xử giám đốc thẩm hủy án, yêu cầu xử phúc thẩm lại.

CSGT nên chấm dứt đuổi xe vi phạm

Gần đây trên các trang mạng, dư luận cũng rất quan tâm đến việc CSGT rượt đuổi “xe điên” trên phố, có trường hợp rượt đến 20 km mới bắt được. Việc làm này rõ ràng là nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe của nhiều người và gây mất trật tự công cộng. Thiết nghĩ công an các địa phương nên chấn chỉnh. Nếu người vi phạm không tuân thủ hiệu lệnh của CSGT thì chỉ cần ghi lại biển số xe, sau đó truy tìm ra thủ phạm không có gì là khó khăn cả.

Đinh Văn Quế


Tin cùng chuyên mục

 Kết nối với chúng tôi

 

 

 Đường đến credent

Bản đồ đường đi

 Thống kê truy cập
  • Trực tuyến:
    4
  • Tất cả:
    3010615

 VP1: 60/1 Tôn Thất Tùng, P. Bến Thành, quận 1, TP.HCM  

Điện thoại Hotline: 0943117117 - 0903704871

Email Email: luatsu@tuvanluatvietnam.vn

Email Website: credent.net

 VP2: 11 Đặng Thế Phong, P.Tân Sơn Nhì, Q.Tân Phú, TP.HCM  

Điện thoại Hotline: 0903704871

Email Email: luatsu@tuvanluatvietnam.vn

Email Website: credent.net

 VP3: 217 Phan Bội Châu, phường Lê Hồng Phong, TP.Quãng Ngãi 

Điện thoại Hotline: 0973101101

Email Email: luatsu@tuvanluatvietnam.vn

Email Website: credent.net

 © Copyright 2016 www.credent.net, all rights reserved.

Thiết kế website www.webso.vn
Back to top