Slide 1

Thất thu thuế từ chuyển nhượng vốn là do cơ chế phối hợp

Thứ bảy, 17/09/2016 - 09:04 AM

Các chuyên gia, luật sư có kinh nghiệm về chuyển nhượng vốn, nhượng quyền thương mại cho rằng hiện tượng gian lận thuế trong lĩnh vực này liên quan đến tổ chức và cá nhân chủ yếu bắt nguồn từ cơ chế phối hợp giữa cơ quan thuế và cơ quan đăng ký kinh doanh. Họ cũng nhấn mạnh rằng việc doanh nghiệp tìm cách có lợi nhất trong việc đóng thuế thu nhập là một hoạt động nghiệp vụ bình thường.

Các chuyên gia, luật sư đã chia sẻ với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online ý kiến trên sau khi TPHCM có công văn gởi Bộ Tài chính kiến nghị cơ chế, chính sách để quản lý thu thuế hoạt động chuyển nhượng vốn, nhượng quyền thương mại. Vì, những năm gần đây, trên địa bàn thành phố, việc chuyển nhượng vốn góp của các tổ chức và cá nhân trong các doanh nghiệp diễn ra thường xuyên nhưng số thuế thu được từ hoạt động này rất ít, chủ yếu do doanh nghiệp tự khai khi cần cơ quan thuế xác nhận để hoàn thành các thủ tục pháp lý.

Đã có quy định rõ về thuế chuyển nhượng vốn

Thực tế cho thấy việc chuyển nhượng vốn được các bên thỏa thuận bằng hợp đồng, sau đó làm các thủ tục liên quan để thay đổi tên các thành viên trên giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Việc mua bán thể hiện bằng nhiều hình thức mà cơ quan thuế chưa thể kiểm tra, kiểm soát, như hợp đồng khai với cơ quan thuế  giá bán bằng giá vốn (không phát sinh thu nhập nên không phải nộp thuế), không cung cấp hợp đồng mua bán...

Luật sư Lê Thành Kính, Trưởng Văn phòng luật sư Lê Nguyễn, cho rằng việc gian lận thuế trong chuyển nhượng vốn chủ yếu bắt nguồn từ cơ chế phối hợp giữa cơ quan thuế và cơ quan đăng ký kinh doanh, bởi lẽ pháp luật về thuế của Việt Nam đã quy định rất cụ thể và hướng dẫn khá đầy đủ vấn đề này. Đó là khoản 2, điều 14 Thông tư số 123/2012 của Bộ Tài chính (hướng dẫn về thuế thu nhập doanh nghiệp) quy định căn cứ xác định tính thuế thu nhập từ chuyển nhượng vốn: thu nhập tính thuế bằng giá chuyển nhượng trừ giá mua của phần vốn chuyển nhượng và chi phí chuyển nhượng.

Trong đó, giá chuyển nhượng được xác định là tổng giá trị thực tế mà bên chuyển nhượng thu được theo hợp đồng chuyển nhượng. Trường hợp hợp đồng chuyển nhượng vốn quy định việc thanh toán theo hình thức trả góp, trả chậm thì doanh thu của hợp đồng chuyển nhượng không bao gồm lãi trả góp, lãi trả chậm theo thời hạn quy định trong hợp đồng; trường hợp hợp đồng chuyển nhượng không quy định giá thanh toán hoặc cơ quan thuế có cơ sở để xác định giá thanh toán không phù hợp theo giá thị trường, cơ quan thuế có quyền kiểm tra và ấn định giá chuyển nhượng.

Doanh nghiệp có chuyển nhượng một phần vốn góp trong doanh nghiệp mà giá chuyển nhượng đối với phần vốn góp này không phù hợp theo giá thị trường thì cơ quan thuế được ấn định lại toàn bộ giá trị của doanh nghiệp tại thời điểm chuyển nhượng để xác định lại giá chuyển nhượng tương ứng với tỷ lệ phần vốn góp chuyển nhượng. Căn cứ ấn định giá chuyển nhượng dựa vào tài liệu điều tra của cơ quan thuế hoặc căn cứ giá chuyển nhượng vốn của các trường hợp khác ở cùng thời gian, cùng tổ chức kinh tế hoặc các hợp đồng chuyển nhượng tương tự tại thời điểm chuyển nhượng.

Trường hợp việc ấn định giá chuyển nhượng của cơ quan thuế không phù hợp thì được căn cứ theo giá thẩm định của các tổ chức định giá chuyên nghiệp có thẩm quyền xác định giá chuyển nhượng tại thời điểm chuyển nhượng theo đúng quy định.

Đối với giá mua của phần vốn chuyển nhượng cũng được xác định đối với từng trường hợp, cụ thể: (i) nếu là chuyển nhượng vốn góp thành lập doanh nghiệp là giá trị phần vốn góp trên cơ sở sổ sách, hồ sơ, chứng từ kế toán tại thời điểm chuyển nhượng vốn và được các bên tham gia đầu tư vốn hoặc tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh xác nhận, hoặc kết quả kiểm toán của công ty kiểm toán độc lập đối với doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài. (ii) nếu là phần vốn do mua lại thì giá mua là giá trị vốn tại thời điểm mua, giá mua được xác định căn cứ vào hợp đồng mua lại phần vốn góp, chứng từ thanh toán.

Còn chi phí chuyển nhượng là các khoản chi thực tế liên quan trực tiếp đến việc chuyển nhượng, có chứng từ, hoá đơn hợp pháp. Trường hợp chi phí chuyển nhượng phát sinh ở nước ngoài thì các chứng từ gốc đó phải được một cơ quan công chứng hoặc kiểm toán độc lập của nước có chi phí phát sinh xác nhận và chứng từ phải được dịch ra tiếng Việt (có xác nhận của đại diện có thẩm quyền).

Chi phí chuyển nhượng bao gồm chi phí để làm các thủ tục pháp lý cần thiết cho việc chuyển nhượng; các khoản phí và lệ phí phải nộp khi làm thủ tục chuyển nhượng; các chi phí giao dịch, đàm phán, ký kết hợp đồng chuyển nhượng và các chi phí khác có chứng từ chứng minh.

Ví dụ doanh nghiệp A góp 400 tỉ đồng gồm 320 tỉ đồng là giá trị nhà xưởng và 80 tỉ đồng tiền mặt để thành lập doanh nghiệp liên doanh sản xuất giấy vệ sinh sau đó doanh nghiệp A chuyển nhượng phần vốn góp nêu trên cho doanh nghiệp B với giá là 550 tỉ đồng. Vốn góp của doanh nghiệp A tại thời điểm chuyển nhượng trên sổ sách kế toán là 400 tỉ đồng, chi phí liên quan đến việc chuyển nhượng vốn là 70 tỉ đồng. Thu nhập để tính thuế thu nhập từ chuyển nhượng vốn trong trường hợp này là 80 tỉ đồng (550 - 400 - 70).

Doanh nghiệp có thu nhập từ chuyển nhượng vốn thì khoản thu nhập này được xác định là  khoản thu nhập khác và kê khai vào thu nhập chịu thuế khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

Doanh nghiệp chủ động cách đóng thuế

Thị trường M&A ở Việt Nam trong những năm qua đã phát triển khá mạnh, từ khoảng 1 tỉ đô la Mỹ năm 2008 đến 5 tỉ đô la Mỹ năm 2012, theo thông tin từ diễn đàn M&A Việt Nam được tổ chức vào tháng 8-2013 tại TPHCM.

Số liệu cập nhật về thị trường M&A trong năm 2013 vẫn chưa có, nhưng một số chuyên gia cho rằng nếu giữ được mức như năm ngoái cũng đã là tốt.

Các chuyên gia đánh giá rằng tiềm năng thị trường này còn nhiều dư địa, tuy nhiên dường như đang có một “sự lệch pha” khi bên mua quan tâm nhiều, nhưng các thủ tục pháp lý vẫn còn chưa thực sự thông thoáng.

Theo một chuyên gia tư vấn thuế, những rào cản thị trường này là các xung đột trong nội bộ cổ đông, tính pháp lý về tài sản, cũng như các điều kiện thương thảo với nhau giữa bên bán và bên mua về giá.

 

Xem thêm

 


Tin cùng chuyên mục

 Kết nối với chúng tôi

 

 

 Đường đến credent

Bản đồ đường đi

 Thống kê truy cập
  • Trực tuyến:
    3
  • Tất cả:
    3018527

 VP1: 60/1 Tôn Thất Tùng, P. Bến Thành, quận 1, TP.HCM  

Điện thoại Hotline: 0943117117 - 0903704871

Email Email: luatsu@tuvanluatvietnam.vn

Email Website: credent.net

 VP2: 11 Đặng Thế Phong, P.Tân Sơn Nhì, Q.Tân Phú, TP.HCM  

Điện thoại Hotline: 0903704871

Email Email: luatsu@tuvanluatvietnam.vn

Email Website: credent.net

 VP3: 217 Phan Bội Châu, phường Lê Hồng Phong, TP.Quãng Ngãi 

Điện thoại Hotline: 0973101101

Email Email: luatsu@tuvanluatvietnam.vn

Email Website: credent.net

 © Copyright 2016 www.credent.net, all rights reserved.

Thiết kế website www.webso.vn
Back to top