Slide 1

Tịch thu tài sản là vi hiến

Thứ hai, 13/04/2020 - 01:54 PM

Tịch thu tài sản là vi hiến

Mặc dù Hiến pháp năm 2013 đã minh định “nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường”, với những nguyên tắc hiến định là bảo vệ quyền sở hữu của công dân, nhưng Bộ luật Hình sự năm 2015 vẫn quy định 59 tội mà người bị kết án có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Nếu như Bộ luật Hình sự năm 1999 có 41 tội thì Bộ luật Hình sự năm 2015 đã tăng lên 59 tội bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản của người bị kết án. Việc tịch thu, tài sản được áp dụng đối với 16/46 tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, 14/14 tội xâm phạm an ninh quốc gia, 9/13 tội về ma túy, 3/7 tội về tham nhũng và 17 tội khác.

Chẳng hạn, một người phạm vào một trong các tội sau đây đều có nguy cơ bị tịch thu toàn bộ tài sản: tội lừa đảo; tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản; tội buôn lậu; tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm; tội sản xuất, buôn bán hàng giả; tội trốn thuế; tội vi phạm quy định của Nhà nước về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; tội chứa mại dâm; tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc; tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có... Và bao gồm cả tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông theo điều 292 đang gây hoang mang cho cộng đồng doanh nghiệp.

Như vậy, một người chỉ cần phạm tội lừa đảo tài sản với số tiền từ 2 triệu đồng trở lên, hay bị kết án về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản với số tiền từ 50 triệu đồng trở lên, đều có thể bị tịch thu toàn bộ tài sản.

Điều 45 về “Tịch thu tài sản”, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định: “Tịch thu tài sản là tước một phần hoặc toàn bộ tài sản thuộc sở hữu của người bị kết án để nộp vào ngân sách nhà nước”. Tức là ngoài việc phải chịu các hình phạt chính và phải bị tịch thu toàn bộ vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm (bao gồm: công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội; vật hoặc tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có; khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội), thì người bị kết án còn có thể phải chịu hình phạt bổ sung là bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản khác. Đó là các tài sản được liệt kê tại khoản 1, điều 32, Hiến pháp năm 2013, gồm: “Thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, phần vốn góp trong doanh nghiệp”. Hay theo quy định của Bộ luật Dân sự, thì đó là toàn bộ động sản và bất động sản.

Lý lẽ tịch thu

Bộ luật Hình sự quy định, mục đích của hình phạt là nhằm tước bỏ hoặc hạn chế quyền, lợi ích của người phạm tội. Có hai nhóm hình phạt là hình phạt chính (bao gồm: cảnh cáo; phạt tiền; cải tạo không giam giữ; trục xuất; tù có thời hạn; tù chung thân và tử hình) và hình phạt bổ sung (bao gồm: cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; cấm cư trú; quản chế; tước một số quyền công dân; tịch thu tài sản; phạt tiền và trục xuất, khi không áp dụng là hình phạt chính). 

Tùy theo đối tượng, tính chất, mức độ phạm tội, mà người phạm tội bị áp dụng một hoặc một số hình phạt tương xứng. Riêng hình phạt tịch thu toàn bộ tài sản trong cuộc sống hiện đại ngày nay là vô cùng nặng nề, là tước đoạt mọi thứ chung quanh con người, nhằm trừng trị nghiêm khắc và triệt tiêu khả năng tái phạm các tội tương tự.

Quy định về tịch thu tài sản của Bộ luật Hình sự ít nhiều có phần phù hợp với nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung trước đây là ngăn cản làm giàu, tích lũy của cải và cấm đoán tự do kinh doanh. Tuy nhiên, nó đã trở thành bất hợp lý kể từ khi chuyển sang nền kinh thị trường từ năm 1986, kể cả đối với ba nhóm tội phạm mà Bộ luật Hình sự đã quy định rõ là trọng điểm phải áp dụng loại hình phạt tịch thu tài sản, đó là các tội xâm phạm an ninh quốc gia, ma túy và tham nhũng.

Quy định vi hiến

Duy trì quy định về việc tịch thu tài sản là tiếp tục áp đặt quan điểm suy đoán tội lỗi theo kiểu, một phần hoặc toàn bộ tài sản của người bị kết án về 59 tội phạm nêu trên đều là do phạm tội hay do phạm pháp mà có. Do vậy, pháp luật phải trừng phạt bằng cách tịch thu mà không cần chứng minh nguồn gốc tài sản là hợp pháp hay bất hợp pháp. Điều này đã từng được quy định trong Luật Cải cách ruộng đất năm 1953,

Pháp lệnh Trừng trị các tội xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa năm 1970, Pháp lệnh Trừng trị các tội xâm phạm tài sản riêng của công dân năm 1970, Quyết định số 100/QĐ-CP ngày 12-4-1977 của Hội đồng Chính phủ ban hành chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa với thương nghiệp tư nhân ở các tình phía Nam, Pháp lệnh Trừng trị tội hối lộ năm 1981 và hai Bộ luật Hình sự năm 1985 và 1999. Trong thời kỳ cải cách ruộng đất, cải tạo công thương nghiệp cho đến những năm đầu của thập kỷ 1980, đã từng áp dụng biện pháp hành chính tịch thu tài sản của địa chủ, tư sản và một số gia đình khá giả, vì cho rằng đó là tài sản bất chính.

Hiến pháp năm 1980 trở về trước mới có quy định về việc trưng thu và tịch thu tài sản, còn sau khi chuyển sang nền kinh tế thị trường, thì Hiến pháp năm 1992 cũng như năm 2013 đã không còn cho phép việc quốc hữu hóa, trưng thu hay tịch thu tài sản hợp pháp của công dân. Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 cũng đã không còn quy định về việc tịch thu tài sản của người vi phạm, mà chỉ tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Người phạm tội vi phạm đến đâu thì bị xử phạt đến đó, gây thiệt hại bao nhiêu thì phải bồi thường bấy nhiêu. Chẳng có bất cứ lý do gì quy định việc tịch thu toàn bộ tài sản khác không liên quan đến tội phạm. Nhất là với hình phạt tịch thu tài sản trong Bộ luật Hình sự lại không hề có tiêu chí và giới hạn (ngoại trừ việc không áp dụng đối với các tội phạm ít nghiêm trọng, với mức cao nhất của khung hình phạt là không quá ba năm tù), thì rất dễ gây ra tình trạng áp dụng tùy tiện, tiêu cực.

Trường hợp nào thì bị tịch thu, khi nào thì bị tịch thu một phần và khi nào thì bị tịch thu toàn bộ tài sản? Trong khi, nếu là hình phạt chính, thì mức phạt tiền tối đa chỉ là 5 tỉ đồng đối với cá nhân, nhưng nếu là hình phạt bổ sung tịch thu toàn bộ tài sản thì đối với người này có thể chỉ là 1 triệu hay 1 tỉ đồng, còn đối với người khác thì có thể là 100 tỉ, thậm chí 1.000 tỉ đồng. Cùng phạm tội như nhau, không thể áp dụng hình phạt tịch thu tài sản với mức chênh lệch khác nhau tới hàng ngàn lần.

Quy định về việc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản của người bị kết án đã xâm phạm quyền sở hữu hợp pháp của công dân được Hiến pháp bảo hộ, là một lỗi lập pháp đặc biệt nghiêm trọng trong Bộ luật Hình sự năm 2015, cần phải được bãi bỏ. (nguồn: thesaigontimes.vn)

 


Tin cùng chuyên mục

 Kết nối với chúng tôi

 

 

 Đường đến credent

Bản đồ đường đi

 Thống kê truy cập
  • Trực tuyến:
    5
  • Tất cả:
    3010622

 VP1: 60/1 Tôn Thất Tùng, P. Bến Thành, quận 1, TP.HCM  

Điện thoại Hotline: 0943117117 - 0903704871

Email Email: luatsu@tuvanluatvietnam.vn

Email Website: credent.net

 VP2: 11 Đặng Thế Phong, P.Tân Sơn Nhì, Q.Tân Phú, TP.HCM  

Điện thoại Hotline: 0903704871

Email Email: luatsu@tuvanluatvietnam.vn

Email Website: credent.net

 VP3: 217 Phan Bội Châu, phường Lê Hồng Phong, TP.Quãng Ngãi 

Điện thoại Hotline: 0973101101

Email Email: luatsu@tuvanluatvietnam.vn

Email Website: credent.net

 © Copyright 2016 www.credent.net, all rights reserved.

Thiết kế website www.webso.vn
Back to top