Slide 1

Tòa tịch thu tiền chạy xin việc, đúng không

Thứ hai, 26/09/2016 - 03:46 PM

Trong án lừa đảo, các tòa thường trả lại tiền bị cáo chiếm đoạt cho người bị hại. Nhưng ở một vụ án xảy ra tại Cần Thơ, hai cấp tòa sơ, phúc thẩm lại tuyên tịch thu sung công quỹ số tiền này…

Mới đây, TAND TP Cần Thơ đã xử phúc thẩm, bác kháng cáo của hai người bị hại Nguyễn Trúc Lâm và Nguyễn Trường Giang trong vụ án Bùi Trọng Luật lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Tịch thu tiền “chạy” xin việc

Theo hồ sơ, tháng 9-2012, Luật tải lên mạng Internet với nội dung ai có nhu cầu xin việc làm thì liên hệ qua số điện thoại của Luật. Sau đó, những người có nhu cầu xin việc liên hệ với Luật để gửi hồ sơ xin việc với giá mỗi bộ hồ sơ từ 10 triệu đến 60 triệu đồng. Sau khi nhận hồ sơ và tiền ứng trước, Luật lên mạng tải các mẫu quyết định của các công ty, cơ quan, tổ chức về máy tính để chỉnh sửa nội dung, dùng máy in ra và dùng viết đỏ đồ lên hình dấu mộc và phôtô lại đưa cho những người nhờ xin việc.

Trong số hồ sơ xin việc có Trần Chí Niệm lúc đầu xin việc, về sau là đồng phạm với Luật. Nguyễn Trường Giang ngoài xin việc cho mình đã giới thiệu cho Luật thêm nhiều hồ sơ khác. Nguyễn Trúc Lâm ngoài xin việc cho vợ cũng giới thiệu cho Luật nhiều hồ sơ khác… Tổng cộng Luật đã nhận 29 bộ hồ sơ, lừa được hơn 300 triệu đồng tiền ứng trước.

Các cơ quan tố tụng quận Ninh Kiều đã xác định hai ông Lâm, Giang là người bị hại. Xử sơ thẩm hồi tháng 9-2014, TAND quận này đã phạt Luật tổng cộng tám năm tù về hai tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; Niệm một năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngoài ra, tòa còn buộc Niệm nộp lại gần 270 triệu đồng sung công vì nhận định số tiền này do bị cáo và hai người bị hại Lâm, Giang giao dịch trái pháp luật (tiền để xin việc - NV).

Sau phiên xử này, hai ông Lâm và Giang đã kháng cáo yêu cầu tòa phúc thẩm không tịch thu sung công số tiền trên mà trả lại cho họ.

Giao kết trái pháp luật?

Tại phiên xử phúc thẩm ngày 20-1 vừa qua của TAND TP Cần Thơ, VKS cho rằng việc các bị hại dùng tiền để xin việc là tạo điều kiện để cho người có trách nhiệm làm trái quy định nhà nước, tạo ra tình trạng tham nhũng, sự bất bình đẳng trong xin việc… Từ đó, việc tòa sơ thẩm tuyên tịch thu sung công số tiền “chạy” việc trên là có cơ sở.

Trong khi đó, luật sư của phía bị hại cho rằng số tiền này là mục đích các bị cáo nhắm tới khi lừa đảo bị hại, do đó là tang vật của vụ án. Theo Điều 41 BLHS, tiền này các bị cáo chiếm đoạt của các bị hại nên phải trả lại. Giao dịch giữa các bị hại với bị cáo không bất hợp pháp vì mục đích của giao dịch là xin việc - nhu cầu chính đáng, không phạm vào điều cấm, những người tham gia giao dịch đều tự nguyện…

Tuy nhiên, tòa phúc thẩm nhận định các giao kết giữa các bị cáo với bị hại không đúng pháp luật, có tính chất lo lót để chạy việc không chính đáng. Bản thân người có yêu cầu không đảm bảo các tiêu chuẩn để được xét tuyển nên làm ảnh hưởng xấu các cơ quan nhà nước, hành vi rất đáng lên án, việc tịch thu số tiền giao dịch là có căn cứ…

Tiền bị chiếm đoạt, tịch thu là sai?

Luật sư Nguyễn Trần Chiêu Dương (Đoàn Luật sư TP.HCM) nhận xét: Hai cấp tòa sơ, phúc thẩm xác định hành vi lừa xin việc rồi chiếm đoạt luôn tiền chạy xin việc của hai bị cáo Luật và Niệm cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đồng thời xác định hai ông Lâm, Giang là người bị hại trong vụ án là chính xác, có căn cứ. Tuy nhiên, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản nằm trong nhóm các tội xâm phạm sở hữu, có khách thể là quyền sở hữu tài sản của công dân, tổ chức bị xâm phạm. Như vậy, tiền mà các bị cáo muốn chiếm đoạt (tiền xin việc) là tài sản hợp pháp của người bị hại trong vụ án. Số tiền này không phải là công cụ, phương tiện phạm tội nên việc hai cấp tòa tuyên tịch thu sung công là không đúng mà lẽ ra phải trả lại cho người bị hại.

Theo luật sư Dương, giả sử đây là vụ án đưa - nhận hối lộ thì số tiền các bị cáo sử dụng vào việc đưa - nhận hối lộ mới đúng là công cụ, phương tiện phạm tội, lúc đó tòa tuyên tịch thu mới có căn cứ.

Đồng tình, luật sư Huỳnh Kim Nga (Đoàn Luật sư TP.HCM) cũng phân tích: Theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự thì số tiền trên được xem là vật chứng của vụ án. Theo Điều 76 BLTTHS, vật chứng chỉ bị tịch thu, sung công quỹ hoặc bị tiêu hủy nếu đó là “công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm lưu hành”. Nếu vật chứng là “vật, tiền bạc thuộc sở hữu của Nhà nước, tổ chức, cá nhân bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội thì trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp”.

Như vậy, các cơ quan tố tụng xác định đây là số tiền mà các bị cáo muốn chiếm đoạt mà đi tuyên tịch thu sung công là vận dụng không đúng quy định của pháp luật vì số tiền đó là tài sản hợp pháp của phía bị hại, không phải là công cụ, phương tiện phạm tội. Hai người bị hại trong vụ án này có thể khiếu nại giám đốc thẩm để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. (theo plo.vn, Đinh Văn Quế)

Sơ thẩm thiếu sót, phúc thẩm chỉ có thể kiến nghị

Theo tòa phúc thẩm, cấp sơ thẩm có thiếu sót khi xác định sai tư cách người tham gia tố tụng: Ông Giang vừa là người bị hại vừa là người liên quan; ông Lâm chỉ là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Quá trình điều tra không lấy lời khai đầy đủ của những người xin việc vì không có địa chỉ rõ ràng và khi xét xử, tòa sơ thẩm cũng không triệu tập họ lên lấy lời khai về việc được hai ông Lâm, Giang trả lại tiền. Hai ông Lâm, Giang khai đã trả lại tiền cho những người xin việc nhưng không có cơ sở chứng minh.

Ngoài ra, cấp sơ thẩm không xác định trách nhiệm dân sự của hai bị cáo Luật, Niệm có liên đới với nhau là thiếu sót. Hay việc cấp sơ thẩm tuyên buộc bị cáo phải nộp sung công số tiền giao dịch trái phép nhưng lại tuyên bị cáo phải nộp án phí dân sự sơ thẩm là không phù hợp.

Tuy nhiên, do không có kháng cáo, kháng nghị nên tòa phúc thẩm không thể xem xét mà chỉ có thể kiến nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm.

 

 

 


Tin cùng chuyên mục

 Kết nối với chúng tôi

 

 

 Đường đến credent

Bản đồ đường đi

 Thống kê truy cập
  • Trực tuyến:
    4
  • Tất cả:
    3010323

 VP1: 60/1 Tôn Thất Tùng, P. Bến Thành, quận 1, TP.HCM  

Điện thoại Hotline: 0943117117 - 0903704871

Email Email: luatsu@tuvanluatvietnam.vn

Email Website: credent.net

 VP2: 11 Đặng Thế Phong, P.Tân Sơn Nhì, Q.Tân Phú, TP.HCM  

Điện thoại Hotline: 0903704871

Email Email: luatsu@tuvanluatvietnam.vn

Email Website: credent.net

 VP3: 217 Phan Bội Châu, phường Lê Hồng Phong, TP.Quãng Ngãi 

Điện thoại Hotline: 0973101101

Email Email: luatsu@tuvanluatvietnam.vn

Email Website: credent.net

 © Copyright 2016 www.credent.net, all rights reserved.

Thiết kế website www.webso.vn
Back to top