Slide 1

Giết người hay chỉ đe dọa giết người

Thứ hai, 26/09/2016 - 03:10 PM

Vũ Đình Ch là bộ đội công binh được phục viên. Từ ngày về quê, Ch thường uống rượu say gây gổ đe dọa đánh người. Ủy ban nhân dân xã đã nhiều lần phạt cảnh cáo và phạt lao động công ích, nhưng Ch vẫn chứng nào tật ấy.

Vào đúng ngày giỗ tổ Hùng Vương, Ch đã uống rượu say ở nhà rồi ra quán bà C ngồi uống nước, nói năng, chửi bới tục tĩu. Thấy anh Phạm Văn N vào quán mua thuốc lá hút, Ch gây sự, thách thức đánh nhau với anh N. Hai bên lời qua tiếng lại, biết Ch say anh N “không chấp”, anh N bảo Ch: “Hôm nay là ngày lễ không nên đánh nhau”. Mặc dù anh N nói vậy, nhưng Ch vẫn lao vào đấm anh N một cái vào bụng. Bị Ch đấm, anh N về nhà gọi anh trai là Phạm Văn G ra. Khi anh G và N đến quán bà C thì Ch túm cổ áo anh N định đánh thì bị anh G nhảy vào đá Ch ngã ra đường. Được mọi người can ngăn, anh G và anh N bỏ về nhà chị H (chị gái anh N).

Không đánh được hai anh G và N, Ch bực tức về nhà lấy quả lựu đạn mà Ch đã cất giấu từ trước chạy đến nhà chị H chửi bới, đe dọa sẽ cho nổ tung cả gia đình chị H. Thấy tình hình nguy hiểm, chính quyền địa phương đến khuyên ngăn, nhưng Ch cầm quả lựu đạn vung lên, vung xuống đe dọa: “Thằng nào thích thì vào đây!”. Ngay sau đó, Ch rút chốt lựu đạn ném vào trong nhà chị H, nhưng lựu đạn chỉ nổ phần kíp và phần thân chỉ bị vỡ đôi nên 5 mẹ con chị H, anh N và một số thanh niên ở trong nhà chị H không ai bị thương vong gì.

Sau khi sự việc xảy ra, Vũ Đình Ch bị bắt. Cơ quan điều tra đã tiến hành khám nghiệm hiện trường, thu 2 nửa vỏ lựu đạn và gửi một nửa đi giám định. Viện khoa học hình sự Bộ Công an đã kết luận: “Lựu đạn thu được ở nhà chị H là lựu đạn hình cầu do Việt Nam sản xuất, loại lựu đạn này khi nổ có bán kính sát thương dày đặc 20 đến 30m”.

Với các tình tiết của vụ án như trên, Tòa án nhân nhân tỉnh H. đã phạt Vũ Đình Ch 11 năm tù về tội “Giết người chưa đạt” và 2 năm tù về tội “Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng”; buộc Ch phải chấp hành hình phạt chung cho cả hai tội là 13 năm tù.

Sau khi xét xử sơ thẩm, Ch kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và tòa án cấp phúc thẩm đã giảm hình phạt cho Ch về tội giết người chưa đạt xuống còn 8 năm tù với nhận định: “Tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo khai y là bộ đội công binh phục viên, khi nhặt được quả lựu đạn về đã tháo ra xem, phần thuốc đã thối và mất hết, chỉ còn lại kíp nổ. Do đó, khi y ném vào nhà chị H, y biết rất rõ là quả lựu đạn nói trên chỉ nổ kíp mà thôi. Lời khai này của bị cáo phù hợp với thực tế quả lựu đạn chỉ nổ kíp làm vỡ đôi phần vỏ mà không gây thương vong cho ai. Tòa phúc thẩm coi đây là một tình tiết mới và xác nhận “tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội của bị cáo ít nguy hiểm hơn”.

Nếu nhận định trên của tòa án cấp phúc thẩm là có căn cứ thì việc truy tố và xét xử Vũ Đình Ch về tội giết người chưa đạt là oan, cần phải xem xét lại. Bởi vì, nếu là giết người, nhất là giết người chưa đạt thì người phạm tội phải nhận rõ hành vi của mình là nguy hiểm đến tính mạng người khác, thấy trước được hậu quả chết người nhất định hoặc có thể xảy ra và mong muốn hoặc có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra. Thế nhưng theo nhận định của bản án phúc thẩm mà chúng tôi vừa trích ở trên thì Vũ Đình Ch nhận rõ hành vi của mình là không nguy hiểm đến tính mạng người khác, vì Ch biết rõ quả lựu đạn không còn thuốc, thấy trước được hậu quả chết người nhất định không xảy ra vì Ch biết rõ quả lựu đạn chỉ nổ kíp, một chiếc kíp nổ lại được bao bọc bởi một vỏ gang thì sức công phá cùng lắm chỉ làm vỡ đôi vỏ gang và làm cho người khác giật mình mà thôi. Và như vậy thì không còn lý do gì để khẳng định bị cáo Ch mong muốn cho mọi người trong nhà chị H chết. Một người biết rõ hành vi của mình chẳng làm cho ai chết hoặc thương tích nhưng lại làm ra vẻ muốn giết người và những người bị đe dọa cũng tin nhầm rằng mình sẽ bị giết thật, thì cùng lắm người có hành vi đó cũng chỉ phạm tội “đe dọa  giết người”, được quy định tại Điều 103 Bộ luật Hình sự, có mức hình phạt cao nhất là 7 năm tù.

 Nhận định của tòa án cấp phúc thẩm không chỉ “xác nhận tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội của bị cáo ít nguy hiểm hơn”, mà nhận định đó đã làm thay đổi bản chất của hành vi phạm tội từ giết người sang đe dọa giết người. Song tòa án cấp phúc thẩm vẫn kết án bị cáo về tội giết người chưa đạt là tự mâu thuẫn với chính mình.

Tuy nhiên, như bản án phúc thẩm xác định, tình tiết này Vũ Đình Ch tại phiên tòa phúc thẩm mới khai, còn ở giai đoạn điều tra, truy tố và xét xử sơ thẩm bị cáo chưa hề khai ra tình tiết này. Vậy lời khai của bị cáo Vũ Đình Ch tại phiên tòa phúc thẩm có độ tin cậy tới mức nào? Bị cáo trước đây là bộ đội công binh, điều này có thể xác định được, nhưng không phải cứ là bộ đội trong binh chủng công binh thì đều hiểu biết thành thạo về lựu đạn. Giả thiết Vũ Đình Ch đúng là người chuyên tháo gỡ các loại vũ khí nổ, thì lời khai của bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm cũng cần phải xác minh tính chân thực của nó. Hơn nữa, Ch còn khai cụ thể rằng: “Khi nhặt được quả lựu đạn về đã tháo ra thấy không còn thuốc, chỉ còn lại kíp nổ”. Để tin vào lời khai mới này của Ch thì chỉ có cách duy nhất là cho Ch “diễn lại” (thao tác lại) xem có làm được không? Tòa án cấp phúc thẩm đã tin ngay vào lời khai của bị cáo mà lẽ ra phải có những biện pháp chứng minh tính trung thực của lời khai mới tại phiên tòa phúc thẩm. Trường hợp này chỉ có thể hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại. Nếu kết quả điều tra lại mà xác định lời khai của Ch tại phiên tòa phúc thẩm đúng thì cơ quan điều tra chỉ có thể kết luận Ch phạm tội “đe dọa giết người”, chứ không phải “giết người chưa đạt”. Ngược lại, nếu qua điều tra lại mà xác định lời khai của Ch tại phiên tòa phúc thẩm chỉ nhằm giảm nhẹ trách nhiệm hình sự hoặc che giấu ý thức chủ quan và hành vi khách quan của mình, thì việc kết án Ch về tội “giết người” ở giai đoạn chưa đạt như tòa án cấp sơ thẩm mới chính xác.

Tóm lại, dù xét ở khía cạnh nào thì quyết định của bản án phúc thẩm theo chúng tôi cũng không chính xác. Nếu chấp nhận lời khai của bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm thì việc kết án bị cáo về tội giết người chưa đạt là không đúng, còn nếu không chấp nhận lời khai này thì không có lý do gì để giảm hình phạt cho bị cáo Ch được, vì bị cáo dùng lựu đạn có khả năng sát thương lớn, ném vào nhà trong đó có nhiều người; lựu đạn không nổ là ngoài sự mong muốn của bị cáo. Loại hành vi này rất nguy hiểm, cần phải nghiêm trị mới có tác dụng giáo dục và phòng ngừa tội phạm. (Luật sư Đinh Văn Quế - nguồn: Tạp chí Luật sư Việt Nam)

 


Tin cùng chuyên mục

 Kết nối với chúng tôi

 

 

 Đường đến credent

Bản đồ đường đi

 Thống kê truy cập
  • Trực tuyến:
    2
  • Tất cả:
    3047765

 VP1: 60/1 Tôn Thất Tùng, P. Bến Thành, quận 1, TP.HCM  

Điện thoại Hotline: 0943117117 - 0903704871

Email Email: luatsu@tuvanluatvietnam.vn

Email Website: credent.net

 VP2: 11 Đặng Thế Phong, P.Tân Sơn Nhì, Q.Tân Phú, TP.HCM  

Điện thoại Hotline: 0903704871

Email Email: luatsu@tuvanluatvietnam.vn

Email Website: credent.net

 VP3: 217 Phan Bội Châu, phường Lê Hồng Phong, TP.Quãng Ngãi 

Điện thoại Hotline: 0973101101

Email Email: luatsu@tuvanluatvietnam.vn

Email Website: credent.net

 © Copyright 2016 www.credent.net, all rights reserved.

Thiết kế website www.webso.vn
Back to top