Slide 1

Cần phải sòng phẳng và công bằng với người nộp thuế

Thứ sáu, 16/12/2022 - 03:38 PM

Trong thời gian vừa qua rất nhiều doanh nghiệp kêu ca phàn nàn về việc hoàn thuế, trong đó thủ tục hoàn thuế giá trị gia tăng của doanh nghiệp xuất khẩu gặp nhiều vướng mắc. Đặc biệt hồ sơ hoàn thuế các doanh nghiệp xuất khẩu ngành nông lâm thủy hải sản bị ách tắc nhiều nhất. Vừa qua các doanh nghiệp ngành gỗ, ngành điều, cao su,ca cao, cà phê,… đã có nhiều kiến nghị gửi các cơ quan chức năng nhằm tháo gỡ những vướng mắc khi hoàn thuế.

 

Theo quy định của luật Quản lý thuế (“QLT”) và luật thuế Giá trị gia tăng (“GTGT”) thì cơ quan thuế quản lý trực tiếp người nộp thuế tiếp nhận hồ sơ hoàn thuế đối với các trường hợp được hoàn thuế theo quy định của pháp luật về thuế, đối với doanh nghiệp xuất khẩu thì sẽ được hoàn thuế GTGT khi có đầy đủ hợp đồng ký kết với bên nước ngoài về việc bán, gia công hàng hóa, cung ứng dịch vụ; hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ; chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt; tờ khai hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu. Tuy nhiên khi tiếp nhận hồ sơ hoàn thuế cơ quan thuế sẽ phân loại hồ sơ thuộc diện kiểm tra trước hoàn thuế và hồ sơ thuộc diện hoàn thuế trước. Hồ sơ thuộc diện kiểm tra trước hoàn thuế bao gồm: Hồ sơ của người nộp thuế đề nghị hoàn thuế lần đầu của từng trường hợp hoàn thuế theo quy định của pháp luật về thuế. Trường hợp người nộp thuế có hồ sơ hoàn thuế gửi cơ quan quản lý thuế lần đầu nhưng không thuộc diện được hoàn thuế theo quy định thì lần đề nghị hoàn thuế kế tiếp vẫn xác định là đề nghị hoàn thuế lần đầu; Hồ sơ của người nộp thuế đề nghị hoàn thuế trong thời hạn 02 năm kể từ thời điểm bị xử lý về hành vi trốn thuế; Hồ sơ của tổ chức giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động, bán, giao và chuyển giao doanh nghiệp nhà nước; Hồ sơ hoàn thuế thuộc loại rủi ro về thuế cao theo phân loại quản lý rủi ro trong quản lý thuế; Hồ sơ hoàn thuế thuộc trường hợp hoàn thuế trước nhưng hết thời hạn theo thông báo bằng văn bản của cơ quan quản lý thuế mà người nộp thuế không giải trình, bổ sung hồ sơ hoàn thuế hoặc có giải trình, bổ sung hồ sơ hoàn thuế nhưng không chứng minh được số tiền thuế đã khai là đúng; Hồ sơ hoàn thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu không thực hiện thanh toán qua ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác theo quy định của pháp luật.

 

Cơ quan thuế thực hiện hoàn thuế trước, kiểm tra sau đối với người nộp thuế sản xuất hàng hóa xuất khẩu không bị xử lý đối với hành vi buôn lậu vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, trốn thuế, gian lận thuế gian lận thương mại trong thời gian hai năm liên tục; Người nộp thuế không thuộc đối tượng rủi ro cao theo quy định của luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành. Tuy nhiên đối với các doanh nghiệp xuất khẩu gần như cơ quan thuế đều xếp vào diện phải kiểm tra trước hoàn thuế sau.

Số tiền chậm hoàn thuế hiện nay chỉ tính riêng đối với ngành gỗ là rất lớn, hơn 1.000 tỷ đồng, trong khi thuế GTGT là loại thuế gián thu, nghĩa là người nộp thuế không phải là người chịu thuế, các doanh nghiệp đã phải “gồng lưng” ra nộp thay cho người chịu thuế, tuy nhiên trong trường hợp này người chịu thuế lại không phải chịu thuế vì hàng hóa, dịch vụ được tiêu dùng ngoài lãnh thổ Việt Nam, chính vì vậy doanh nghiệp xuất khẩu mới được hoàn thuế. Các doanh nghiệp xuất khẩu thuộc diện được hoàn thuế phải ứng trước tiền của mình để nộp thuế cho Nhà nước, số tiền này doanh nghiệp phải đi vay, mà trong thời buổi khó khăn này doanh nghiệp đã đi vay mà chờ đến ngày được hoàn thuế có thể lúc đó họ đã đóng cửa giải thể hoặc phá sản. Đây là mới chỉ tính riêng đối với doanh nghiệp xuất khẩu gỗ, còn nhiều doanh nghiệp khác nữa chưa được hoàn thuế thì số tiền sẽ khủng khiếp đến mức nào? Việc chậm thực hiện các thủ tục để doanh nghiệp được nhận tiền hoàn thuế vô hình trung cơ quan thuế chiếm dụng tiền thuế của doanh nghiệp nhưng có khi nào doanh nghiệp được cơ quan thuế tính lãi trên số tiền chậm hoàn thuế theo như quy định? Chi phí lãi vay của doanh nghiệp ai phải gánh chịu?

Quá trình nộp hồ sơ hoàn thuế doanh nghiệp ngành gỗ bị cơ quan thuế yêu cầu nộp thêm những chứng từ mà trong luật QLT và luật thuế GTGT cũng như các văn bản hướng dẫn dưới luật không quy định, ví dụ như đối với các doanh nghiệp ngành gỗ, cơ quan thuế yêu cầu doanh nghiệp nộp bảng chính bảng kê lâm sản do chủ lâm sản lập và bản sao hồ sơ nguồn gốc lâm sản do chủ lâm sản bán, điều này dẫn tới việc cơ quan thuế địa phương kết hợp với chính quyền địa bàn của chủ rừng đi xác minh diện tích rừng trồng là bao nhiêu, có hợp pháp không, có tranh chấp không, người ký hợp đồng mua bán có đủ hành vi năng lực không, có đủ năng lực cung cấp hàng không, gỗ có đủ tuổi để khai thác không, thậm chí cơ quan thuế còn đề nghị các cơ quan liên quan thực hiện việc xác minh nguồn gốc nguyên liệu tới tận chủ rừng, bao gồm việc yêu cầu doanh nghiệp xuất khẩu cung cấp sổ đỏ của chủ rừng và cần bên thứ ba là cơ quan kiểm lâm địa bàn hoặc UBND các cấp xác nhận hồ sơ nguồn gốc lâm sản,... Hoàn thuế đối với các mặt hàng nông lâm thủy hải sản khác cũng vậy doanh nghiệp đều bị cơ quan thuế xác minh các giao dịch trung gian như F1, F2,... theo hướng dẫn tại các công văn của Tổng cục thuế.

 

Các quy định này của cơ quan thuế là trái quy định của pháp luật, việc bằng các công văn hướng dẫn của Tổng cục thuế các cơ quan thuế đia phương yêu cầu doanh nghiệp phải bổ sung nhiều hồ sơ khác trong quá trình hoàn thuế là trái với luật QLT. Vì các công văn hướng dẫn của Tổng cục thuế không phải là văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại khoản 1 Điều 3 và Điều 4 của luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Do vậy, công văn hướng dẫn của Tổng cục thuế chỉ là văn bản hướng dẫn nội bộ ngành thuế và giải đáp một số vướng mắc cho người nộp thuế, cho nên các công văn này không có giá trị bắt buộc thi hành như văn bản quy phạm pháp luật. Chưa kể một số công văn hướng dẫn đưa ra các quy định “ngặt nghèo” cho người nộp thuế phải thực hiện, mà để đáp ứng những yêu cầu này là rất khó. Trong khi đó các quy định này lại không có trong các văn bản quy phạm pháp luật về thuế, thậm chí một số công văn hướng dẫn có nội dung quá rộng so với luật. Theo hướng dẫn của công văn tạo thuận lợi cho cơ quan thuế nhưng lại xâm phạm nghiêm trọng quyền và lợi ích hợp pháp của người nộp thuế, gây ra bức xúc cho cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian qua. Chính từ những nguyên nhân nêu trên mà rất nhiều doanh nghiệp bị “ngâm” tiền hoàn thuế, thậm chí không được hoàn thuế.

Theo quy định của luật QLT thì thời gian hoàn thuế tối đa là 40(1) ngày kể cả đối với những hồ sơ phải kiểm tra trước khi hoàn thuế, tuy nhiên hầu hết các hồ sơ hoàn thuế phải mất ít nhất nhất là 4 tháng thậm chí cả năm mà chưa được hoàn thuế. Cơ quan thuế dựa vào các công văn của Tổng cục thuế(2) qua đó viện dẫn những văn bản này đánh giá doanh nghiệp thuộc diện rủi ro về thuế nên cần phải xác minh khi xử lý hồ sơ hoàn thuế cho doanh nghiệp. Đây là những “động tác kỹ thuật” mà cơ quan thuế vận dụng nhằm chậm ban hành quyết định hoàn thuế cho doanh nghiệp. Trong khi đó theo quy định của luật QLT nếu chậm ban hành quyết định hoàn thuế mà do lỗi của cơ quan quản lý thuế thì ngoài số tiền thuế phải hoàn trả, cơ quan quản lý thuế còn phải trả tiền lãi với mức 0,03%/ngày tính trên số tiền phải hoàn trả và số ngày chậm hoàn trả. Nếu nợ tiền thuế thì phải trả tiền chậm nộp là 0,03%/ngày tính trên số tiền nhân với số ngày chậm nộp. Vậy thì những thiệt hại mà người nộp thuế phải gánh chịu ai hiểu cho?

 

Tổng cục thuế cũng đã ban hành quyết định số 905/QĐ-TCT về quy trình hoàn thuế, theo đó các bước thực hiện đã khá rõ ràng vậy thì cứ theo đó mà thực hiện chứ không thể ban hành các công văn hướng dẫn làm chậm quá trình hoàn thuế cho doanh nghiệp. Văn bản này là văn bản hướng dẫn cho nội bộ ngành thuế không phải là văn bản quy phạm pháp luật nên không có giá trị để ràng buộc doanh nhiệp thực hiện. Hơn nữa văn quyết định này ban hành tứ năm 2011 theo luật quản lý thuế 2006, hiện nay luật này đã được thay thế bởi luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, vì vậy cần phải có văn bản quy phạm pháp luật để cho việc hoàn thuế được thuận lợi và nhanh chóng hơn qua đó không làm ảnh hưởng nghiêm trọng quyền của người nộp thuế cũng như không làm thất thu ngân sách từ khoản tiền hoàn thuế.

 

Cơ quan thuế cũng nên xem xét lại bởi không phải vì xảy ra các trường hợp vi phạm pháp luật như ThuducHouse vừa qua mà cơ quan thuế gây khó dễ cho hàng ngàn doanh nghiệp trong việc hoàn thuế, trong khi họ mong mỏi được hoàn thuế hàng ngày hàng giờ để nhận được tiền nhằm giải quyết khó khăn trong hoạt động kinh doanh. Sau khi người nộp thuế được hoàn thuế luật QLT cũng có những quy định trao quyền cho cơ quan thuế hậu kiểm việc hoàn thuế trước đó. Vì vậy không phải chỉ vì “một con sâu làm rầu nồi canh” để rồi doanh nghiệp phải khổ sở khi hoàn thuế nhất là trong gia đoạn xuất khẩu rất khó khăn như hiện nay. Vì vậy cơ quan thuế nên xem lại cách làm của mình và cần phải sòng phẳng, công bằng với người nộp thuế.

 

Tác giả: Luật sư Nguyễn Hoàng Hải, thành viên Đoàn luật sư thành phố Hồ Chí Minh,hiện đang hành nghề tại Công ty luật Credent

 

(1) Theo khoản 2 Điều 75 luật Quản lý thuế

(2) Các công văn số: 429/TCT-TTKT, 2124/TCT-TTKT, 2928/TCT-TTKT, 4569/TCT-TTKT, 7527/BTC-TCT, 3124/TCT-KK, 1991/TCT-TTKT và những công văn khác.


Tin cùng chuyên mục

 Kết nối với chúng tôi

 

 

 Đường đến credent

Bản đồ đường đi

 Thống kê truy cập
  • Trực tuyến:
    1
  • Tất cả:
    3040438

 VP1: 60/1 Tôn Thất Tùng, P. Bến Thành, quận 1, TP.HCM  

Điện thoại Hotline: 0943117117 - 0903704871

Email Email: luatsu@tuvanluatvietnam.vn

Email Website: credent.net

 VP2: 11 Đặng Thế Phong, P.Tân Sơn Nhì, Q.Tân Phú, TP.HCM  

Điện thoại Hotline: 0903704871

Email Email: luatsu@tuvanluatvietnam.vn

Email Website: credent.net

 VP3: 217 Phan Bội Châu, phường Lê Hồng Phong, TP.Quãng Ngãi 

Điện thoại Hotline: 0973101101

Email Email: luatsu@tuvanluatvietnam.vn

Email Website: credent.net

 © Copyright 2016 www.credent.net, all rights reserved.

Thiết kế website www.webso.vn
Back to top