Slide 1

Kinh doanh dịch vụ "Đòi nợ": Cấm hay không cấm?

Thứ tư, 17/06/2020 - 11:03 AM

KINH DOANH DỊCH VỤ ĐÒI NỢ: CẤM HAY KHÔNG CẤM?

 

Theo lịch làm việc của QH thì hôm nay 17/6 các đại biểu QH sẽ biểu quyết thông qua luật Đầu tư sửa đổi trong đó có nội dung cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Vấn đề này đã gây ra khá nhiều tranh luận trong thời gian qua đó là CẤM HAY KHÔNG CẤM? Cấm thì rất dễ nhưng liệu với tư duy “không quản được thì cấm” có phù hợp với xu thế hiện nay hay không? Là người ủng hộ việc KHÔNG CẤM thông qua bài viết này với hy vọng mong manh là KHÔNG CẤM.

 

 

Đòi nợ thuê: Nhu cầu có thật của xã hội

 

Theo đà phát triển kinh tế các quan hệ kinh doanh, mua bán, vay mượn ngày càng nhiều làm phát sinh các khoản nợ và phát sinh tranh chấp, việc chậm hoặc không trả nợ gây thiệt hại cho chủ nợ và theo thời gian các khoản nợ này càng ngày càng khó thu hồi do nhiều yếu tố. Các khoản nợ dưới nhiều hình thức khác nhau tuỳ thuộc vào lịch sử giao dịch của các bên mà hình thành nên khoản nợ. Không phải các tranh chấp về nợ đều được giải quyết dễ dàng ở toà án. Mặc dù pháp luật cũng đã cho phép chủ nợ có thể khởi kiện ra toà nhưng tại sao rất nhiều chủ nợ không chọn cách đòi nợ bằng con đường này? Với quy trình tố tụng như hiện nay việc đòi nợ bằng con đường khởi kiện ra toà thường mất rất nhiều thời gian và chi phí. Lấy ví dụ một vụ kiện đòi nợ với giấy tờ chứng minh khoản nợ rõ ràng, quan hệ pháp luật tranh chấp rất đơn giản nhưng tòa án giải quyết nhanh nhất khoản 1,5-2 năm, chưa kể sau đó phải mất một thời gian dài thi hành án và các khoản chi phí “phần trăm” khác để thi bản hành án của tòa, do vậy người dân không có niềm tin cơ quan thực thi pháp luật. Công cuộc đòi nợ gian truân như thế nhưng nhiều khả năng con nợ đã có thời gian tẩu tán tài sản, cuối cùng vẫn không đòi được nợ nên “tiền mất tật mang”. Trong khi đó thông qua công ty đòi nợ thuê tuy vẫn có những rủi ro nhất định và phải trả phí cao nhưng bù lại dịch vụ này họ đối mặt trực tiếp với con nợ và triển khai rất nhiệt tình nên hiệu quả rất cao, thu được nợ nhanh, không làm cho chủ nợ mệt mỏi và khỏi mất thời gian đi tới đi lui. Hơn nữa công ty đòi nợ chỉ lấy phí khi đòi được nợ không phải như đi kiện phải tạm ứng án phí mà chưa chắc thu hồi được nợ. Rất nhiều trường hợp có bản án tuyên rất hay, chấp nhận gần như toàn bộ yêu cầu khởi kiện đòi nợ nhưng khi đi đến giai đoạn thi hành án thì chủ nợ chẳng thu được đồng nào do người thiếu nợ đã đủ thời gian tẩu tán tài sản nên không còn khả năng trả nợ.

 

Vì sao cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ?

 

Cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ vì một số ý kiến cho rằng thời gian qua có hoạt động đòi nợ thuê biến tướng thành các băng nhóm cưỡng đoạt tài sản, cho vay nặng lãi, hoạt động tín dụng đen gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội, gây áp lực lên con nợ dẫn tới nhiều hệ lụy. Cũng có ý kiến nói đòi nợ thuê là công cụ của quan hệ cho vay nặng lãi, là kinh doanh bạo lực, là sự “nhờ vả” bạo lực để đòi nợ gây nên mất an ninh trật tự xã hội.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Dương Chí Dũng trong phiên họp UBTVQH thứ 43 sáng ngày 23/3/2020 đã phát biểu rằng 217 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ này tại Hà Nội và TP.HCM đã được cấp phép không có đơn vị nào hoạt động lành mạnh, chủ yếu là các băng nhóm xã hội đen, cho vay nặng lãi, ép người vay trả lãi suất cao, dẫn đến tình hình an ninh trật tự phức tạp. Không hiểu căn cứ vào đâu mà Bộ trưởng Dương Chí Dũng phát biểu như vậy làm buồn lòng 217 doanh nghiệp được cấp cấp phép hoạt động?

Cần phải phân định rõ dịch vụ đòi nợ thuê được cấp phép và đòi nợ thuê theo kiểu “xã hội đen”, theo thống kê thực tế các hoạt động đòi nợ thuê ồn ào dư luận, làm mất an ninh trật tự trong thời gian qua hầu hết không phải do các công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ gây ra mà chủ yêu là các dịch vụ đòi nợ theo kiểu “xã hội đen” thực hiện, những dịch vụ này không được cấp phép hoạt động. Có thể kể ra một số vụ như: Phở Hoà, Vụ tạc sơn nhà cô giáo ở Quận 6 TP.HCM, vụ đòi nợ thuê ở Hải Dương,…

 

Có nên cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ hay không?

 

Nhu cầu thu hồi nợ là nhu cầu có thật của xã hội để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng trong vài năm trở lại đây dịch vụ này ra đời và phát triển nhiều hơn. Vì vậy việc cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê sẽ không giải quyết được nhu cầu tất yếu của xã hội, khi đó theo quy luật thị trường có “cầu” nên ắt hẳn có “cung” để đáp ứng, dịch vụ đòi nợ thuê ngoài xã hội sẽ lấp vào chổ trống này, khi đó các vụ đòi nợ gây mất an ninh trật tự nghiêm trọng hơn, nhà nước lại càng khó quản lý và sẽ càng phát sinh nhiều hệ luỵ hơn.

Trước năm 2007 kinh doanh dịch vụ đòi nợ không được cấp giấy phép hoạt động vì chưa có quy định cụ thể, sau đó với yêu cầu đòi hỏi của xã hội Nghị định 104/2007 là khung pháp lý tạo hành lang cho hoạt động kinh doanh đòi cho công ty đòi nợ hình thành và hoạt động, tuy nhiên đến nay nghị định này đã lỗi thời, không theo kịp và không còn điều chỉnh được các hoạt động kinh doanh đòi nợ. Nên cần phải có một chiếc áo mới mới hữu hiệu hơn để điều chỉnh hoạt động này chứ không thể với tư duy “quản không được thì cấm”. Cấm thì rất dễ nhưng liệu có giải quyết được tình hình hiện nay hay là cấm cái này thì tạo điều kiện cho những tiêu cực khác phát triển.

Cũng như đòi nợ thuê một số ngành nghề trước đây cũng bị cấm như karaoke, mát xa, vũ trường,… những ngành này ít nhiều “mang tiếng” gây nên mất an ninh trật tự, tạo điều kiện cho hoạt động mại dâm núp bóng hành nghề. Nhưng từ khi không còn cấm nữa, hành lang pháp lý rõ ràng và những ngành này được phép kinh doanh như những ngành nghề kinh doanh có điều kiện việc quản lý cũng sẽ dễ dàng, tạo nguồn thu cho ngân sách, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Hiện nay một số ngành nghề cũng bị cấm kinh doanh như thám tử tư nhưng trong thực tế nhu cầu nhờ thám tử là có thật nên hoạt động này vẫn diễn ra một cách công khai nhưng ẩn chứa dưới những võ bọc khác nhau làm cho nhà nước không quản lý được, không thu thuế và không bảo vệ được quyền lợi của người sử dụng dịch vụ.

Với xu hướng bỏ dần các điều kiện kinh doanh hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng cho các doanh nghiệp hoạt động thì việc đưa ra các quy định cấm đoán không phải là xu hướng hiện nay, làm cho các cam kết của Chính phủ đối với doanh nghiệp và nhà đầu tư không thật sự rõ ràng, không nhất quán theo kiểu “thích thì cho mở không thích hoặc không quản được thì cấm” kiểu tư duy và cách quản lý ấy không còn phù hợp với xu thế hiện nay.

 

Giải pháp nào?

 

Nhà nước cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ hoạt động lành mạnh, nếu cần thiết đưa ra các điều kiện thành lập kinh doanh dịch vụ này chặt chẽ hơn. Hiện nay với quy định không được thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp quá 1 lần/năm, không làm cản trở hoạt động bình thường của doanh nghiệp, nhưng riêng đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ thì quy định này có lẽ không phù hợp, nên hoạt động của những doanh nghiệp này cần được kiểm tra thường xuyên hàng quý để phát hiện sai sót và có những chấn chỉnh kịp thời.

Cải cách tư pháp cần được đẩy mạnh hơn nữa để quá trình giải quyết tại toà được rút ngắn và người dân có niềm tin để lựa chọn toà án khi cần thu hồi nợ mà không phải nhờ đến dịch vụ đòi nợ như hiện nay.

Chỉ đến khi hoạt động đòi nợ thuê được cho phép hoạt động với một hành lan pháp lý hoàn chỉnh và các doanh nghiệp phải cải thiện dịch vụ nâng cao chất lượng từ đó cải thiện hình ảnh của mình và qua đó hạn chế được các hoạt động đòi nợ theo kiểu “xã hội đen” khi đó các doanh nghiệp hoạt động theo kiểu này sẽ dần dần bị đào thải và rút ra khỏi thị trường. Nếu cấm kinh doanh đòi nợ thuê sẽ tạo ra thế độc quyền và làm cho hoạt động này bị méo mó khi đó dịch vụ đòi nợ thuê không có giấy phép sẽ phát triển và với dịch vụ này càng khó quản lý hơn.

Vì vậy phương án đưa hoạt động đòi nợ là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, quy định chặc chẽ hơn nữa về điều kiện thành lập, hoạt động, kiểm tra, thanh tra,… thay vì cấm là phương án khả thi, phù hợp với xu thế hiện nay hơn. Mong rằng ngày 17/06 sắp tới trước khi bấm nút thông qua luật Đầu tư sửa đổi đại biểu Quốc hội cân nhắc nhiều hơn về nội dung cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ. (LS. Nguyễn Hoàng Hải)


Tin cùng chuyên mục

 Kết nối với chúng tôi

 

 

 Đường đến credent

Bản đồ đường đi

 Thống kê truy cập
  • Trực tuyến:
    2
  • Tất cả:
    3042195

 VP1: 60/1 Tôn Thất Tùng, P. Bến Thành, quận 1, TP.HCM  

Điện thoại Hotline: 0943117117 - 0903704871

Email Email: luatsu@tuvanluatvietnam.vn

Email Website: credent.net

 VP2: 11 Đặng Thế Phong, P.Tân Sơn Nhì, Q.Tân Phú, TP.HCM  

Điện thoại Hotline: 0903704871

Email Email: luatsu@tuvanluatvietnam.vn

Email Website: credent.net

 VP3: 217 Phan Bội Châu, phường Lê Hồng Phong, TP.Quãng Ngãi 

Điện thoại Hotline: 0973101101

Email Email: luatsu@tuvanluatvietnam.vn

Email Website: credent.net

 © Copyright 2016 www.credent.net, all rights reserved.

Thiết kế website www.webso.vn
Back to top