Slide 1

Thủ tục phá sản

Thứ ba, 01/06/2021 - 04:08 PM

Thủ tục phá sản doanh nghiệp

 

1.  Phá sản là gì
Phá sản là tình trạng của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán và bị Tòa án ra quyết định tuyên bố phá sản. Doanh nghiệp mất khả năng thanh toán là doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán.
Chủ nợ là cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền yêu cầu doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ, bao gồm chủ nợ không có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm một phần và chủ nợ có bảo đảm.
2.  Người có quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản
Chủ nợ không có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm một phần có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày khoản nợ đến hạn mà doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ thanh toán.
Người lao động, công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở những nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày phải thực hiện nghĩa vụ trả lương, các khoản nợ khác đến hạn đối với người lao động mà doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ thanh toán. 
Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp mất khả năng thanh toán.
Chủ doanh nghiệp tư nhân, Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty cổ phần, Chủ tịch Hội đồng thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, thành viên hợp danh của công ty hợp danh có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp mất khả năng thanh toán.
Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 20% số cổ phần phổ thông trở lên trong thời gian liên tục ít nhất 06 tháng có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi công ty cổ phần mất khả năng thanh toán. Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu dưới 20% số cổ phần phổ thông trong thời gian liên tục ít nhất 06 tháng có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi công ty cổ phần mất khả năng thanh toán trong trường hợp Điều lệ công ty quy định.
Thành viên hợp tác xã hoặc người đại diện theo pháp luật của hợp tác xã thành viên của liên hiệp hợp tác xã có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã mất khả năng thanh toán.
3. Thương lượng giữa chủ nợ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản với doanh nghiệp mất khả năng thanh toán
   Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày Tòa án nhân dân nhận đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hợp lệ, doanh nghiệp mất khả năng thanh toán và chủ nợ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản có quyền đề nghị bằng văn bản gửi Tòa án nhân dân để các bên thương lượng việc rút đơn.
Tòa án nhân dân ấn định thời gian thương lượng nhưng không quá 20 ngày kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hợp lệ. 
Trường hợp các bên thỏa thuận được với nhau về việc rút đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản thì Tòa án nhân dân trả lại đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. 
  Trường hợp thương lượng không thành hoặc hết thời hạn thương lượng mà các bên không tiến hành thương lượng thì Tòa án nhân dân thông báo cho người nộp đơn nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản và thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản theo quy định của Luật này.
Việc thương lượng của các bên theo quy định tại nêu trên không được trái với quy định của pháp luật về phá sản.
4. Quyết định mở thủ tục phá sản
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, Thẩm phán phải ra quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản, trừ trường hợp quy định tại Điều 105 của Luật Phá sản.
Thẩm phán ra quyết định mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp mất khả năng thanh toán.
Trường hợp cần thiết, trước khi ra quyết định mở thủ tục phá sản, Thẩm phán có thể triệu tập phiên họp với sự tham gia của người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, chủ doanh nghiệp hoặc đại diện hợp pháp của doanh nghiệp bị yêu cầu mở thủ tục phá sản, cá nhân, tổ chức có liên quan để xem xét, kiểm tra các căn cứ chứng minh doanh nghiệp mất khả năng thanh toán.
5. Thông báo quyết định mở thủ tục phá sản
Quyết định mở thủ tục phá sản của Tòa án nhân dân phải được gửi cho người nộp đơn, doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, chủ nợ, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp, cơ quan thi hành án dân sự, cơ quan thuế, cơ quan đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp có trụ sở chính và đăng trên Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, Cổng thông tin điện tử của Tòa án nhân dân và 02 số báo địa phương liên tiếp nơi doanh nghiệp mất khả năng thanh toán có trụ sở chính.
Quyết định không mở thủ tục phá sản của Tòa án nhân dân phải được gửi cho người nộp đơn, doanh nghiệp bị yêu cầu mở thủ tục phá sản và Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp.
Thời hạn gửi và thông báo quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản là 03 ngày làm việc kể từ ngày Tòa án nhân dân ra quyết định.
6.  Hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp sau khi có quyết định mở thủ tục phá sản
Sau khi có quyết định mở thủ tục phá sản, doanh nghiệp vẫn tiếp tục hoạt động kinh doanh, nhưng phải chịu sự giám sát của Thẩm phán và Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản. 
Trường hợp xét thấy người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp không có khả năng điều hành, doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm khoản 1 Điều 48 của Luật Phá sản thì Thẩm phán ra quyết định thay đổi người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đó theo đề nghị của Hội nghị chủ nợ hoặc Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản.
7. Hoạt động của doanh nghiệp bị cấm sau khi có quyết định mở thủ tục phá sản
Sau khi có quyết định mở thủ tục phá sản, cấm doanh nghiệp thực hiện các hoạt động sau: (i) Cất giấu, tẩu tán, tặng cho tài sản; (ii) Thanh toán khoản nợ không có bảo đảm, trừ khoản nợ không có bảo đảm phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản và trả lương cho người lao động trong doanh nghiệp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 49 của Luật Phá sản; (iii) Từ bỏ quyền đòi nợ; (iv) Chuyển khoản nợ không có bảo đảm thành nợ có bảo đảm hoặc có bảo đảm một phần bằng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã.
8. Giám sát hoạt động của doanh nghiệp sau khi có quyết định mở thủ tục phá sản
Sau khi có quyết định mở thủ tục phá sản, doanh nghiệp phải báo cáo Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản trước khi thực hiện các hoạt động sau: (i) Hoạt động liên quan đến việc vay, cầm cố, thế chấp, bảo lãnh, mua bán, chuyển nhượng, cho thuê tài sản; bán, chuyển đổi cổ phần; chuyển quyền sở hữu tài sản; (ii) Chấm dứt thực hiện hợp đồng có hiệu lực; (iii) Thanh toán khoản nợ phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản; trả lương cho người lao động trong doanh nghiệp, hợp tác xã.
Hình thức báo cáo gồm báo cáo trực tiếp, thư bảo đảm, thư thường, thư điện tử, fax, telex.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo của doanh nghiệp thì Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản có trách nhiệm trả lời cho doanh nghiệp việc được thực hiện hoặc không được thực hiện các hoạt động quy định tại nêu trên và phải chịu trách nhiệm về việc trả lời của mình. Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản phải báo cáo Thẩm phán về nội dung trả lời của mình.
Các hoạt động quy định nêu trên được thực hiện mà không có sự đồng ý của Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản thì bị đình chỉ thực hiện, khôi phục lại tình trạng ban đầu và giải quyết hậu quả theo quy định của pháp luật.
9. Xác định giá trị nghĩa vụ về tài sản 
Nghĩa vụ về tài sản của doanh nghiệp được xác lập trước khi Tòa án nhân dân ra quyết định mở thủ tục phá sản được xác định vào thời điểm ra quyết định mở thủ tục phá sản. 
Nghĩa vụ về tài sản của doanh nghiệp được xác lập sau khi Tòa án nhân dân ra quyết định mở thủ tục phá sản được xác định vào thời điểm ra quyết định tuyên bố phá sản. 
Trường hợp nghĩa vụ về tài sản quy định nêu trên không phải là tiền thì Tòa án nhân dân xác định giá trị nghĩa vụ về tài sản đó bằng tiền.
10.  Thứ tự phân chia tài sản
Trường hợp Thẩm phán ra quyết định tuyên bố phá sản thì tài sản của doanh nghiệp được phân chia theo thứ tự sau: (i) Chi phí phá sản; (ii) Khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thoả ước lao động tập thể đã ký kết; (iii) Khoản nợ phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản nhằm mục đích phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã; (iii) Nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho chủ nợ trong danh sách chủ nợ; khoản nợ có bảo đảm chưa được thanh toán do giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán nợ.
Trường hợp giá trị tài sản của doanh nghiệp sau khi đã thanh toán đủ các khoản quy định nêu trên mà vẫn còn thì phần còn lại này thuộc về: (i) Thành viên hợp tác xã, hợp tác xã thành viên; (ii) Chủ doanh nghiệp tư nhân; (iii) Chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên; (iv) Thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, cổ đông của công ty cổ phần; (v)Thành viên của Công ty hợp danh.
Nếu giá trị tài sản không đủ để thanh toán theo quy định tại nêu trên thì từng đối tượng cùng một thứ tự ưu tiên được thanh toán theo tỷ lệ phần trăm tương ứng với số nợ.
11. Giao dịch bị coi là vô hiệu 
Giao dịch của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán được thực hiện trong thời gian 06 tháng trước ngày Tòa án nhân dân ra quyết định mở thủ tục phá sản bị coi là vô hiệu nếu thuộc một trong các trường hợp sau: (i) Giao dịch liên quan đến chuyển nhượng tài sản không theo giá thị trường; (ii) Chuyển khoản nợ không có bảo đảm thành nợ có bảo đảm hoặc có bảo đảm một phần bằng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã; (iii) Thanh toán hoặc bù trừ có lợi cho một chủ nợ đối với khoản nợ chưa đến hạn hoặc với số tiền lớn hơn khoản nợ đến hạn; (iv) Tặng cho tài sản; (v) Giao dịch ngoài mục đích hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã; (vi) Giao dịch khác với mục đích tẩu tán tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã.
Giao dịch của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán nêu trên được thực hiện với những người liên quan trong thời gian 18 tháng trước ngày Tòa án nhân dân ra quyết định mở thủ tục phá sản thì bị coi là vô hiệu.
Những người liên quan quy định nêu trên bao gồm: (i) Công ty mẹ, người quản lý công ty mẹ và người có thẩm quyền bổ nhiệm người quản lý đối với công ty con;  (ii) Công ty con đối với công ty mẹ; doanh nghiệp do hợp tác xã thành lập đối với hợp tác xã; (iii) Người hoặc nhóm người có khả năng chi phối việc ra quyết định của cơ quan quản lý doanh nghiệp đối với hoạt động của doanh nghiệp đó; (iv) Người quản lý doanh nghiệp đối với doanh nghiệp, hợp tác xã; (v) Vợ, chồng, cha đẻ, cha nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, anh, chị, em ruột của người quản lý doanh nghiệp hoặc của thành viên, cổ đông sở hữu phần vốn góp hay cổ phần chi phối; (vi) Cá nhân được uỷ quyền đại diện cho những người quy định nêu trên (vii) Doanh nghiệp trong đó những người quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e và h khoản này có sở hữu đến mức chi phối việc ra quyết định của cơ quan quản lý ở doanh nghiệp đó; (viii) Nhóm người thoả thuận cùng phối hợp để thâu tóm phần vốn góp, cổ phần hoặc lợi ích ở công ty hoặc để chi phối việc ra quyết định của công ty.
Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản có trách nhiệm xem xét giao dịch của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, nếu phát hiện giao dịch quy định nêu trên thì đề nghị Tòa án nhân dân xem xét tuyên bố giao dịch vô hiệu.
12.  Hậu quả của doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản
Người giữ chức vụ Chủ tịch, Tổng giám đốc, Giám đốc, thành viên Hội đồng quản trị của doanh nghiệp 100% vốn nhà nước bị tuyên bố phá sản không được đảm đương các chức vụ đó ở bất kỳ doanh nghiệp nhà nước nào kể từ ngày doanh nghiệp 100% vốn nhà nước bị tuyên bố phá sản.
Người đại diện phần vốn góp của Nhà nước ở doanh nghiệp có vốn nhà nước mà doanh nghiệp đó bị tuyên bố phá sản không được đảm đương các chức vụ quản lý ở bất kỳ doanh nghiệp nào có vốn của Nhà nước.
Người giữ chức vụ quản lý của doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản mà cố ý vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 18, khoản 5 Điều 28, khoản 1 Điều 48 của Luật Phá sản thì Thẩm phán xem xét, quyết định về việc không được quyền thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã, làm người quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong thời hạn 03 năm kể từ ngày Tòa án nhân dân có quyết định tuyên bố phá sản.
Quy định nêu trên không áp dụng trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản với lý do bất khả kháng.
13. Chi phí phá sản
Lệ phí phá sản: là khoản tiền mà người yêu cầu mở thủ tục phá sản phải nộp để Tòa án nhân dân thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. 
Chi phí cho Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản;
Chi phí kiểm toán (nếu có);
Chi phí đăng báo và các chi phí khác
14. Liên hệ với chúng tôi
Công ty Luật Credent
Hotline (24/7): 0943117117 - 0936116116
Email: luatsu@tuvanluatvietnam.vn

 


Tin cùng chuyên mục

 Kết nối với chúng tôi

 

 

 Đường đến credent

Bản đồ đường đi

 Thống kê truy cập
  • Trực tuyến:
    3
  • Tất cả:
    3043313

 VP1: 60/1 Tôn Thất Tùng, P. Bến Thành, quận 1, TP.HCM  

Điện thoại Hotline: 0943117117 - 0903704871

Email Email: luatsu@tuvanluatvietnam.vn

Email Website: credent.net

 VP2: 11 Đặng Thế Phong, P.Tân Sơn Nhì, Q.Tân Phú, TP.HCM  

Điện thoại Hotline: 0903704871

Email Email: luatsu@tuvanluatvietnam.vn

Email Website: credent.net

 VP3: 217 Phan Bội Châu, phường Lê Hồng Phong, TP.Quãng Ngãi 

Điện thoại Hotline: 0973101101

Email Email: luatsu@tuvanluatvietnam.vn

Email Website: credent.net

 © Copyright 2016 www.credent.net, all rights reserved.

Thiết kế website www.webso.vn
Back to top