Slide 1

Thực hiện Luật Doanh nghiệp 2014

Thứ hai, 09/01/2017 - 03:44 PM

Thực hiện Luật Doanh nghiệp 2014: những điểm cần chú ý

 

Luật Doanh nghiệp 2014 (có hiệu lực từ ngày 1-7-2015) hướng tới sự phù hợp với thực tế kinh doanh hiện tại của doanh nghiệp và tháo gỡ nhiều khó khăn, hạn chế, góp phần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, nhưng có một số quy định không thực sự “thoáng” như nhiều người nghĩ.

Bài viết này trình bày những điểm cần chú ý của Luật Doanh nghiệp 2014, hy vọng giúp doanh nghiệp tránh những rủi ro pháp lý, tận dụng các chi phí cơ hội và có bước đi đúng đắn để phát triển.

Đăng ký doanh nghiệp: không “thoáng” như nhiều người nghĩ

Luật Doanh nghiệp 2014 đã tạo một bước đột phá mới khi quy định nội dung trên giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp sẽ không còn ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp (điều 29).

Tuy nhiên, thực chất, khi tiến hành đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp vẫn phải đăng ký ngành nghề dự kiến hoạt động. Theo đó, ngành nghề được thể hiện cụ thể trên giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp trong hồ sơ đăng ký thành lập (điều 24, Luật Doanh nghiệp 2014). Ngoài ra, khi thay đổi ngành nghề kinh doanh thì doanh nghiệp vẫn phải thực hiện thủ tục thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp.

Như vậy, việc không ghi ngành nghề trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp không phải là một quy định “thoáng” hơn so với luật cũ, mà tinh thần của điều luật này cần phải được hiểu là nhằm thực hiện lộ trình chuyển tải các thông tin doanh nghiệp (trong đó có thông tin về ngành nghề đăng ký kinh doanh) về một đầu mối thống nhất là Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho việc tra cứu thống nhất và dễ dàng các thông tin về doanh nghiệp cũng như giảm tải các công việc giấy tờ của các cơ quan nhà nước, từ đó phục vụ doanh nghiệp tốt hơn.

Ngoài ra, việc quy về cùng một đầu mối sẽ giúp tăng cường sự giám sát của xã hội đối với thông tin doanh nghiệp. Ý định xúc tiến lộ trình này được thể hiện rõ hơn tại điều 33, Luật Doanh nghiệp 2014: Sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc khi thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp phải công bố công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Đây cũng là một điểm mới mà doanh nghiệp cần chú ý. Bởi theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2005, hiện nay các doanh nghiệp vẫn thường lựa chọn phương thức công bố trên báo in hoặc báo điện tử trong ba số liên tiếp.

Điểm đáng chú ý kế tiếp trong Luật Doanh nghiệp 2014 là sự tách bạch giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Theo đó, đối với trường hợp nhà đầu tư nước ngoài muốn thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư sẽ không còn đồng thời là giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp như quy định trong Luật Doanh nghiệp 2005. Khi đăng ký doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài phải được sở kế hoạch và đầu tư các địa phương cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (khoản 1, điều 22, Luật Đầu tư 2014 và điều 21, điều 22, điều 23 Luật Doanh nghiệp 2014).

Nói cách khác, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là một trong những điều kiện mà nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng nếu muốn thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam. Tương tự, nếu nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua phần vốn góp, hay mua cổ phần trong tổ chức kinh tế tại Việt Nam mà rơi vào các trường hợp quy định tại khoản 1, điều 23 và khoản 1, điều 26, Luật Đầu tư 2014, nhà đầu tư cũng phải đăng ký đầu tư trước khi tiến hành các thủ tục tương ứng theo Luật Doanh nghiệp 2014.

Theo điều 44, Luật Doanh nghiệp 2014, doanh nghiệp sẽ được quyền tự quyết định về hình thức, nội dung và cả số lượng con dấu. Tuy nhiên, nội dung trên con dấu vẫn phải thể hiện tên và mã số của doanh nghiệp. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng phải thực hiện thủ tục thông báo mẫu dấu của doanh nghiệp với cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Bên cạnh sự thay đổi trong quy định về mẫu dấu là sự thay đổi trong quy định về số lượng người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Theo đó, công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật (khoản 2, điều 13, Luật Doanh nghiệp 2014). Đây là một quy định hoàn toàn mới của Luật Doanh nghiệp 2014, đảm bảo tối đa sự tự do trong kinh doanh của doanh nghiệp nhưng trên tinh thần phải công khai, minh bạch thông qua yêu cầu bắt buộc phải thể hiện số lượng, chức danh, quyền và nghĩa vụ của (những) người đại diện theo pháp luật trong điều lệ của doanh nghiệp. 

Ngoài ra, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp khi đăng ký kinh doanh, Luật Doanh nghiệp 2014 đã bãi bỏ các yêu cầu và điều kiện kinh doanh tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp, hài hòa thủ tục đăng ký doanh nghiệp với thuế lao động, bảo hiểm xã hội…

Thay đổi quy định về vốn điều lệ và thời hạn góp vốn

Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định các nguyên tắc để xác định, đăng ký vốn thực góp của công ty, giải quyết tình trạng vốn không có thực (ảo) nhưng không thể xử lý được như hiện nay. Theo đó, Luật Doanh nghiệp 2014 áp dụng thống nhất thời hạn phải thanh toán đủ phần vốn góp khi thành lập công ty, quy định rút ngắn thời hạn góp vốn. Chủ sở hữu, thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn phải góp đủ và đúng loại tài sản như đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn là 90 ngày, kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (điều 48, Luật Doanh nghiệp 2014).

Trước đây, Luật Doanh nghiệp 2005 quy định thời hạn góp vốn tối đa đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên và hai thành viên trở lên là 36 tháng. Vì vậy, khi đăng ký thành lập doanh nghiệp, các thành viên cần phải chú ý vấn đề thời hạn góp vốn để tránh những rủi ro pháp lý đáng tiếc xảy ra.

Một điểm mới khác là Luật Doanh nghiệp 2014 cho phép công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần được giảm vốn điều lệ. Theo đó, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần  nếu không góp đủ vốn điều lệ trong thời hạn quy định như đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp thì được quyền đăng ký điều chỉnh giảm vốn bằng giá trị số vốn thực góp. Trong trường hợp này, chủ sở hữu/thành viên/cổ đông chưa thanh toán hoặc chưa thanh toán đủ vốn điều lệ đã đăng ký góp, số cổ phần đã đăng ký mua phải chịu trách nhiệm tương ứng với tổng giá trị phần vốn góp, mệnh giá cổ phần đã đăng ký mua đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong thời hạn cam kết góp. Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp cũng có thể điều chỉnh giảm vốn bằng cách hoàn trả một phần vốn góp trong vốn điều lệ của công ty theo các điều kiện quy định tại Luật Doanh nghiệp năm 2014.

Công ty cổ phần được tự chọn cơ cấu tổ chức, quản lý

Điều 134, Luật Doanh nghiệp 2014 quy định công ty cổ phần có quyền chọn giữa hai mô hình sau:

Thứ nhất: đại hội đồng cổ đông, hội đồng quản trị, giám đốc/tổng giám đốc và ban kiểm soát (trường hợp có dưới 11 cổ đông thì không cần Ban kiểm soát).

Thứ hai: đại hội đồng cổ đông, hội đồng quản trị (thành viên và thành viên độc lập), giám đốc/tổng giám đốc. Trường hợp này bắt buộc phải có ban kiểm toán nội bộ trực thuộc hội đồng quản trị và phải có thành viên độc lập chiếm tối thiểu 20% thành viên của hội đồng quản trị. (Theo TBKTSG)

 


Tin cùng chuyên mục

 Kết nối với chúng tôi

 

 

 Đường đến credent

Bản đồ đường đi

 Thống kê truy cập
  • Trực tuyến:
    5
  • Tất cả:
    3041685

 VP1: 60/1 Tôn Thất Tùng, P. Bến Thành, quận 1, TP.HCM  

Điện thoại Hotline: 0943117117 - 0903704871

Email Email: luatsu@tuvanluatvietnam.vn

Email Website: credent.net

 VP2: 11 Đặng Thế Phong, P.Tân Sơn Nhì, Q.Tân Phú, TP.HCM  

Điện thoại Hotline: 0903704871

Email Email: luatsu@tuvanluatvietnam.vn

Email Website: credent.net

 VP3: 217 Phan Bội Châu, phường Lê Hồng Phong, TP.Quãng Ngãi 

Điện thoại Hotline: 0973101101

Email Email: luatsu@tuvanluatvietnam.vn

Email Website: credent.net

 © Copyright 2016 www.credent.net, all rights reserved.

Thiết kế website www.webso.vn
Back to top